Giấc mơ “hồi sinh” cây ca cao

(PLVN) - Sau gần 10 năm tiếp quản công ty do cha giao lại, anh Đặng Trường Khanh (SN 1980) – Giám đốc Công ty TNHH Cacao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã thực hiện được giấc mơ mà cha anh gửi gắm. 
Hai cha con anh Khanh cùng nhau thực hiện ước mơ “hồi sinh” cây ca cao.
Hai cha con anh Khanh cùng nhau thực hiện ước mơ “hồi sinh” cây ca cao.

Con thực hiện giấc mơ của cha

Gặp anh Đặng Trường Khanh vào một ngày mưa đầu tháng 8, ngồi bên ly ca cao nóng hổi, anh Khanh kể lại cuộc hành trình gian khó của 2 cha con anh với mong muốn góp phần vực dậy một loại cây có nguy cơ bị “lãng quên” của nước ta. 

Đầu câu chuyện, anh Khanh nhắc đến người cha của mình bằng sự trân trọng và biết ơn. “Bây giờ, cha giao lại toàn bộ tâm huyết cả đời ông cho tôi, chỉ mong rằng tôi làm tốt sứ mệnh của mình là sản phẩm ca cao Việt đến rộng rãi với người tiêu dùng”.

Anh Khanh kể, cha anh tên Đặng Tường Khâm (88 tuổi) vốn là bác sĩ - thầy thuốc ưu tú với 56 năm tuổi Đảng. Thời còn làm trong đơn vị, Đoàn 600 của Quân khu 7 ở Tân Phú, đơn vị ông có liên kết với Liên Xô để trồng ca cao, nhưng khi cây có trái thì Liên Xô sụp đổ, dẫn đến quả ca cao không có “đầu ra”.

Lúc bấy giờ Nhà nước chỉ mới có chính sách tài trợ công cuộc trồng loại cây này ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Lắk, nhưng tại Đồng Nai thì chưa.

Sau khi trái ca cao không bán được, người dân mình “bán đổ bán tháo” quả thô với giá rẻ bèo, nhưng lại nhập về thành phẩm với giá cao. Rồi người ta chỉ lấy hạt mà không tận dụng các thành phần khác như nước, thịt quả…nên cha anh mới nghĩ rằng tại sao người Việt Nam không tự mình làm ra thành phẩm, tận dụng tối đa lợi ích từ loại quả này. 

Khi về hưu, người thầy thuốc già ấy bắt tay vào thực hiện trăn trở điều mà trong đơn vị ông đã nghĩ. Bằng những đồng lương hiếm hoi được tích góp, ông quyết định khởi nghiệp bằng việc mua đất và trồng cây ca cao. Giai đoạn đầu thực hiện, ông đã gặp nhiều khó khăn, không chỉ là sự phản đối về phía người thân mà còn từ nhiều người dân địa phương. 

Và rồi bằng sự quyết tâm của mình, năm 2006, ông Khâm đã tìm đến vùng đất khô cằn ở xã Phú Hòa, lập Công ty TNHH Trọng Đức. Với chủ trương chủ động vùng nguyên liệu cho việc chế biến sản phẩm, từ vài héc ta ca cao của gia đình, ông Khâm đã liên kết với nông dân ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận mở rộng vùng nguyên liệu lên 1.000 héc ta vào năm 2010.

Ông Khâm đã dành phần lớn số tiền tích lũy để mua cây giống, sau đó bán lại cho nông dân với giá 6.000 đồng/cây. Nông dân chỉ phải trả trước một nửa, nửa còn lại sẽ trả sau khi thu hoạch. Tuy nhiên do diện tích trồng ca cao tăng quá nhanh, đội ngũ kỹ thuật không đủ đáp ứng việc tư vấn cho nông dân khiến cây phát triển không như mong đợi, cộng với sự lên ngôi của các cây công nghiệp khác như điều, tiêu, người dân đã chặt bỏ cây ca cao.

Vốn là người đam mê kinh doanh, nên ban đầu anh Khanh không để ý đến công việc của cha. “Năm 2010, là thời điểm công ty đang gặp khó khăn, cha tôi kêu lên giúp ông một tay, thật ra lúc đó trong đầu chỉ suy nghĩ sống gần cha để thuyết phục ông quay về TP nghỉ ngơi. Vì lúc đó tôi làm kinh doanh, cũng khấm khá. Còn những gì ở đây biến thành trang trại để cuối tuần gia đình về nghỉ ngơi”. 

Anh Khanh giới thiệu sản phẩm Bungo cacao với người tiêu dùng.
Anh Khanh giới thiệu sản phẩm Bungo cacao với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi lên ở gần cha, nghe được những trăn trở của cha, đi với cha gặp người nông dân, nhìn niềm tin của những nông dân vào ngành ca cao đầy tâm huyết, anh Khanh bỗng thấy mình phải có trách nhiệm cùng cha hoàn thành tâm nguyện phát triển cây ca cao. Và kể từ đó, anh Khanh chính thức tiếp quản công ty.

Năm 2012, công ty lâm vào khó khăn vì diện tích vùng nguyên liệu giảm hơn 700 héc ta. Để giúp bà con có niềm tin hơn về cây trồng này, năm 2015, Trọng Đức bán toàn bộ đất đai ở thành phố để thực hiện đề án xóa nợ hoàn toàn tiền bán cây giống cho nông dân. Dần dà, người dân tin tưởng hơn vào Trọng Đức và trồng lại loại cây này.

“Thời điểm đó, ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu, cha tôi đã kịp nghiên cứu ra một số sản phẩm ban đầu từ ca cao, như: bột ca cao, chocolate, rượu ca cao... nhưng gần như chưa tiêu thụ được. Chính vì vậy, tôi phải nghĩ cách để bán hàng. Một mặt, tôi củng cố lại cách tổ chức vùng nguyên liệu, lúc này bị giảm tới 70% so với trước.

Chúng tôi ký lại hợp đồng với nông dân, hướng dẫn kỹ thuật, nhận bao tiêu sản phẩm... với tiêu chí mà cha tôi đặt ra là phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân, chúng tôi có thể lỗ, nhưng không để nông dân lỗ.

Mặt khác, tôi tìm cách bán hàng, bán từ hạt ca cao đến các sản phẩm từ ca cao. Tôi phải phát triển mảng chế biến để giảm bớt lượng hàng thô vì bán hạt thô sẽ dễ gặp nhiều rủi ro. Mục tiêu tôi đặt ra là giảm bán hạt ca cao thô, đẩy mạnh chế biến”.

Để thực hiện giấc mơ của người cha, cuối năm 2014, anh Khanh đã có 14 tháng liên tục làm việc miệt mài với người Nhật. Kết quả là Công ty Kenkyusho - liên doanh giữa Trọng Đức với một doanh nghiệp Nhật, được thành lập vào tháng 8/2015 tại Singapore, trong đó, Trọng Đức chuyên về nguyên liệu và sản xuất, người Nhật sẽ lo mảng thị trường. Kể từ đó đến nay, Trọng Đức đã sản xuất nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Giờ đây, khi nhìn lại sự việc này, 2 cha con anh Khanh xem đó như một sự “vấp váp” mà người làm kinh doanh phải trải qua. Rồi anh nhẹ nhàng viết tiếp về giấc mơ của cha - giấc mơ về một tập đoàn ca cao ở vùng Đông Nam bộ, nơi người dân sẽ được thưởng thức ca cao sạch từ chính nông dân làm ra.

Khát vọng đưa ca cao Việt vươn tầm thế giới

Dẫn chúng tôi thăm gian hàng với những thanh sôcôla nhỏ nhắn với các nhân dừa, điều, đậu phộng... mang nhãn hiệu Bungo, anh Khanh tự hào nói: “Các sản phẩm này đều do công ty sản xuất ra để phục vụ du khách vào đây nghỉ dưỡng. Ngoài ra, còn được xuất sôcôla qua Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay đã có gần 30 sản phẩm được đưa ra thế giới". 

Để đưa được ca cao Việt ra thị trường thế giới, thì năm 2014, anh Khanh đã tìm được đối tác là một doanh nghiệp Nhật. Khi đó, phía Nhật cử người đến tận công ty tìm hiểu tường tận quy trình sản xuất nguyên liệu, chế biến rồi đặt hàng.

"Khi có đầu ra, việc thu mua giá ca cao tươi của nông dân cũng tốt hơn. Đối tác nhập sản phẩm sôcôla về gia công, đóng gói bao bì và họ đã biết đến Việt Nam sản xuất sôcôla chứ không phải xuất khẩu hạt thô như trước đây nữa" - anh Khanh tâm sự.

Công ty TNHH Cacao Trọng Đức là doanh nghiệp đóng góp tích cực vào Chương trình “Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020.

Công ty TNHH Cacao Trọng Đức là doanh nghiệp đóng góp tích cực vào Chương trình “Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020.

Vào năm 2015, trong một chuyến xúc tiến thương mại đầu tư cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đến nước Mỹ, công ty đã mang một số thỏi sôcôla ra mời khách thì hầu hết đều trầm trồ về vị sôcôla được sản xuất ở Đồng Nai. 

Từ đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm đến việc xây dựng dự án hợp tác, sản xuất gắn với tiêu thụ cây ca cao trên địa bàn. Tỉnh vừa hỗ trợ vốn, vừa đặt ra chiến lược vùng nguyên liệu cho Công ty TNHH ca cao Trọng Đức nhằm giúp cho nông dân có thêm thu nhập. 

Hiện nay, vùng nguyên liệu ca cao của Công ty đã được chứng nhận UTZ của Hà Lan và có 4 sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao. Sau 13 năm nỗ lực, đến hôm nay thương hiệu Cacao Trọng Đức không chỉ có tiếng vang tại thị trường trong nước mà còn được các nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc... đến tham quan, nghiên cứu và đánh giá cao. 

Công ty cũng đang đề xuất tỉnh thành lập cụm công nghiệp chế biến nông sản cho nông nghiệp tại khu vực trồng ca cao. Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư nhập máy sản xuất hiện đại nhất khu vực Châu Á về sản xuất thành phẩm ca cao siêu mịn.

Trong 5 năm tới Trọng Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng bột ca cao, cũng như liên kết bột ca cao với các nông sản khác tạo nên những sản phẩm đặc sắc như bột ca cao sầu riêng, bột ca cao gừng, bột ca cao dược liệu… 

Với kế hoạch tăng doanh thu bán hàng trong nước là 60% trong vòng 2 năm, Công ty đang hướng vào kênh truyền thống ở các hệ thống quán cà phê, cửa hàng bách hóa, chợ truyền thống. Với Khẩu hiệu: “Sức khỏe của bạn là trái tim của chúng tôi”, chắc chắn đến năm 2020, những sản phẩm Cacao Trọng Đức sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam và thế giới. 

Cacao Trọng Đức cũng là một trong những doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”. 

Không chỉ dừng lại ở việc đồng hành và hỗ trợ người nông dân thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, các hợp tác xã và hàng chục tổ hợp tác, Cacao Trọng Đức còn quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho con em người nông dân thông qua các đợt trao tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó, các hộ gia đình khó khăn có con em đạt thành tích xuất sắc trong học tập. 

Đọc thêm