Trên lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh, cũng nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện, vấn đề tái cơ cấu ngành điện một lần nữa lại được xới xáo, với mong muốn giảm độc quyền và có thể tăng đầu tư vào ngành này.
"Không thể nói EVN độc quyền trong khâu phát điện" (!?) |
Chia hay hợp?
Hiện nay, cơ cấu ngành điện được tổ chức theo mô hình tích hợp dọc, gồm cả phát, truyền tải, phân phối, mua bán điện và điều hành hệ thống. Nhận định mới đây về tình hình thiếu điện mùa khô 2010, Bộ Công Thương cho rằng, một trong những nguyên nhân là do việc cơ cấu ngành như vậy chưa tạo ra được môi trường minh bạch để thu hút đầu tư cho ngành điện. Bộ đề nghị Chính phủ sớm xem xét thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách khâu phát điện ra khỏi khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống để hình thành thị trường cạnh tranh trong khâu phát điện.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay đối với khâu truyền tải, Chính phủ đã yêu cầu thành lập công ty truyền tải riêng, hạch toán kinh tế độc lập và chỉ liên quan đến điều hành của EVN trong việc truyền tải công suất và điện năng theo nhu cầu phụ tải ở từng vùng. Về phát điện, EVN chỉ còn 47% công suất trên hệ thống phát điện. Nếu như cuối năm nay, PVN đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ thì EVN chỉ còn 40% công suất trên toàn bộ hệ thống.
Vì thế, ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT EVN cho rằng, “Nhìn tổng thể, EVN không nắm giữ hoàn toàn một lĩnh vực nào. Do vậy, không thể nói EVN độc quyền trong khâu phát điện.”
Vì thế, trước câu hỏi “có nên tách phát điện khỏi EVN hay không”, ông Hưng cho rằng, vấn đề này cần phải được xem xét và có bước đi thận trọng.
“Chúng tôi là một tập đoàn có thể nói là lớn nhất, nhiều khách hàng nhất, thế mà có rất nhiều nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, khi nhận hợp đồng với EVN lại “một đi không trở lại”. Bởi vậy, đối với một công ty mới ra đời, đi vay vốn để đầu tư lưới điện là rất khó khăn” Bài toán về vốn đầu tư chính là bất cập lớn nhất đối với việc chia tách, xé lẻ này. “Chúng tôi chỉ muốn đặt một câu hỏi với trách nhiệm của người làm ngành điện: Liệu tách riêng ra, thì công ty này có đủ năng lực về tài chính để hoạt động, để cung cấp điện hay không?”- ông Hưng nói.
EVN cũng giãi bày rằng, hiện cần tới 78.000 tỷ đồng cho các dự án điện. Việc kêu gọi một lượng vốn lớn như vậy, cộng với những tác động của thiên tai không lường trước khiến cho các dự án chậm tiến độ là không thể tránh khỏi.
Thị truờng điện hấp dẫn – khi nào?
Hiện chỉ có một công ty mua bán điện duy nhất thuộc EVN. Tuy nhiên, nếu thành lập nhiều công ty mua bán điện sẽ dẫn tới cạnh tranh rất mạnh giữa các nhà máy phát điện, điện càng có giá thấp sức mua càng cao. Theo ông Hưng, điều này có thể dẫn tới khả năng bị quá tải các trạm biến áp, đường dây truyền tải điện.
Mô hình mua bán điện theo hướng một công ty mua bán điện duy nhất đang được nhiều nước sử dụng. Bản thân EVN cũng muốn Nhà nước quản lý công ty này. Trước đây, EVN đã trình Thủ tướng xin thành lập Công ty mua bán điện theo mô hình công ty cổ phần gồm 7 thành viên, nhưng vấp phải phản ứng của dư luận. “Công ty này nên để Nhà nước quản lý để mọi vấn đề được khách quan minh bạch và xã hội đồng thuận” - ông Hưng nói.
Theo lộ trình, thị trường điện cạnh tranh sẽ có 3 cấp độ. Năm 2006-2014 là giai đoạn hình thành mô hình thị trường phát điện cạnh tranh. Năm 2015-2022 hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh và sau 2022 là mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Ông Vũ Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc EVN kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng thị trường điện, cho biết, ngành điện đang tích cực thực hiện các quy trình theo hướng dẫn tại Thông tư 18 do Bộ Công Thương ban hành. “EVN hiện đang tìm những giải pháp nhanh nhất có thể để sớm đưa thị trường này vào vận hành, quyết tâm đến quý 3 năm 2011 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để chạy thí điểm thị trường điện cạnh tranh” – ông Hùng nói.
Tuấn An