Giải đáp vướng mắc về áp dụng pháp luật các tội phạm ma túy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, TAND Tối cao vừa có Công văn số 02/TANDTC-PC đưa ra ý kiến giải đáp một số tình huống vướng mắc trong quá trình xét xử các vụ án hình sự liên quan tới tội phạm ma túy.

Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm hoặc có hành vi khác để chứa chấp người nghiện ma túy cùng sử dụng trái phép chất ma túy (SDTPCMT) thì có bị xử lý hình sự về tội chứa chấp việc SDTPCMT theo quy định tại Điều 256 của BLHS hay không?

- Về tình huống này, TAND Tối cao có ý kiến như sau: Theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 thì: "b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng SDTPCMT tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp SDTPCMT; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội SDTPCMT, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội SDTPCMT quy định tại Điều 199 của BLHS”.

Theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 thì: “...Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT”. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn thay thế nội dung này của Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP .

Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 của BLHS thì: “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc SDTPCMT, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này...”.

Như vậy, quy định này không loại trừ việc xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy có hành vi chứa chấp việc SDTPCMT. Cho nên, đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm để cùng sử dụng ma túy nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của BLHS thì bị xử lý về tội chứa chấp SDTPCMT theo quy định tại Điều 256 của BLHS, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

A là người đi mua ma túy về (B không biết A mua ma túy). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma túy ra và bảo “ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 3 người cùng sử dụng ma túy, sau đó D đến nhà C và thấy ma túy trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C và D đều là người nghiện ma túy. Vậy, A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức SDTPCMT hay không?

- Tình huống này, TAND Tối cao có ý kiến như sau: Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND Tối cao về giải đáp nghiệp vụ thì: "Tổ chức SDTPCMT được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc SDTPCMT”.

Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma túy cho B, C, D để họ thực hiện việc SDTPCMT. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức SDTPCMT theo quy định tại Điều 255 của BLHS.

Thế nào được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện?

- Tình huống này, TAND Tối cao có ý kiến như sau: Khoản 1 Điều 591 của BLDS quy định: “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: ...Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng...”.

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng cũng là nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án thì chỉ được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại để xét tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đã thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án; đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 01 lần và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là đã hoàn thành việc cấp dưỡng; đã thực hiện được một phần nghĩa vụ cấp dưỡng và có thỏa thuận, xác nhận của đại diện hợp pháp của người được nhận cấp dưỡng về việc tiếp tục thực hiện hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng có thỏa thuận, xác nhận của người đại diện hợp pháp của người được nhận cấp dưỡng về việc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Đọc thêm