Giải mã "mắt thần" trên không của Mỹ

(PLO) - Global Hawk là một trong những chiếc máy bay do thám hiện đại nhất của Mỹ hiện nay, phóng viên hãng tin BBC vừa có cơ hội hiếm hoi được tìm hiểu về nó tại Căn cứ không quân Grand Forks đóng ở Bắc Dakota, Mỹ.
Giải mã "mắt thần" trên không của  Mỹ

Hệ thống do thám tiên tiến

Global Hawk được quảng bá là có khả năng bay vòng quanh thế giới chỉ với một lần nạp nhiên liệu duy nhất. Hệ thống do thám tiên tiến của nó cho phép theo dõi từng cá nhân một ở trên mặt đất, dù nó đang bay ở độ cao tới 18.000m, cao gấp đôi độ cao của máy bay phản lực bình thường và cũng có nghĩa chẳng ai biết họ đang bị quan sát từ xa.
Những đặc điểm ưu việt này có nghĩa về lý thuyết, Global Hawk có thể bay trên không phận quốc tế và vẫn có thể nhòm vào Syria để theo dõi hoạt động di chuyển vũ khí hóa học. Hoặc chiếc máy bay có thể theo dõi chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên khi đang bay gần đảo Guam trên Thái Bình Dương.
Người đàn ông phụ trách các hoạt động tại Grand Forks, Đại tá Lawrence Spinetta, nói rằng những chiếc Hawk "ngày nào cũng bay lượn trên toàn cầu, hoạt động 24/7, cung cấp các thông tin tình báo tuyệt vời cho các nhà hoạch định ra quyết định cao cấp", dù ông không nói thêm gì nữa.
Hoạt động sử dụng máy bay không người lái (UAV) hay Máy bay do phi công điều khiển từ xa (RPA) theo cách nói được quân đội Mỹ ưa thích, đã gây tranh cãi lớn và nguyên nhân không chỉ do các hoạt động giám sát bí mật do máy bay không người lái Reaper và Predator của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thực hiện.
Một số người Mỹ đã lo ngại về cách thức UAV được sử dụng để tiến hành hoạt động do thám trong nội địa. Kết quả là 17 bang đã ra luật hạn chế hoạt động sử dụng UAV.
Nhưng Bắc Dakota, nơi có ít cư dân sinh sống và không gian trống lớn, đã thoải mái hơn với hoạt động của UAV. Đại học Bắc Dakota cũng là một trong những nơi đầu tiên ở Mỹ tổ chức cấp bằng huấn luyện điều khiển.
Nằm gọn trong bức màn bí mật
Trong khi Global Hawk không phải là một chiếc UAV vũ trang, bí mật vây quanh nó vẫn rất lớn. Tại Grand Forks, có ít dấu hiệu cho thấy quân đội muốn phá bỏ bức màn bí mật.
Đội phi công điều khiển Global Hawk thậm chí còn gỡ bỏ tên hiệu của họ để tránh khỏi bị nhận dạng. Các phóng viên tới thăm căn cứ được yêu cầu bỏ lại toàn bộ thiết bị ghi âm, điện thoại, máy ảnh, trước khi được vào một trong các "phòng trú ẩn", nơi người ta điều khiển Global Hawk.
Bên ngoài, chúng trông như những chiếc container tàu biển. Bên trong có đủ loại màn hình, dù khi phóng viên ghé thăm, chúng đều đã bị tắt. Phòng hoạt động, nơi giám sát các nhiệm vụ của Global Hawk nằm sau một cánh cửa sắt nặng có mã an ninh bảo vệ. Không một ai trong đoàn phóng viên được tiếp cận nơi này.
Tuy nhiên các phóng viên có được chứng kiến một phi công thực hiện một nhiệm vụ mô phỏng. Các phi công nói rằng họ nhớ cảm giác mông "hơi nhấc khỏi ghế" khi điều khiển những chiếc máy bay bình thường cất cánh. "Cảm giác không phấn khích giống như bay một chiếc máy bay có người lái", nhưng những gì thu lại vẫn rất xứng đáng ở phương diện khác.
Các phi công chỉ ra một điểm mạnh của việc điều khiển UAV, đó là họ có thể tham gia các nhiệm vụ trên toàn cầu trong khi vẫn không phải đi quá xa khỏi gia đình. Nhưng đây cũng có thể là lý do mà một phi công cảm thấy hơi "bị tách rời" ra khỏi hoạt động quân sự, dù rằng  thực ra rất tập trung vào nhiệm vụ.
Tiềm năng  ứng dụng không chỉ trong quân sự
Theo BBC, những chiếc máy bay không người lái này chính là tương lai. Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thường không mấy khi mua sắm thiết bị của các nước trong liên minh. Nhưng các thành viên giờ đã thảo luận về việc cùng nhau mua 5 chiếc Global Hawks với giá 1,7 tỷ USD.
Vào năm 2017, chúng sẽ cất cánh bay đi từ thành phố Sigonella ở Sicily, với tiềm năng đảm bảo các vấn đề về an ninh hàng hải, bên cạnh việc hỗ trợ binh lính dưới đất.
Và Global Hawk không chỉ có tiềm năng quân sự trên chiến trường. Bob Zeiser, người điều hành chương trình Global Hawk tại Northrop Grumman, nói rằng chiếc máy bay này đã giúp xử lý hậu quả của các thảm họa thiên nhiên.
Ví dụ hồi năm 2010, một chiếc đã bay trên Haiti sau trận động đất kinh hoàng ở đây. Nó đã chụp ảnh các khu vực bị tàn phá và giúp điều phối nỗ lực cứu hộ. Những người điều khiển ngồi ở California đã có thể bay vòng quanh Haiti tới 3 vòng, chụp ảnh toàn bộ đất nước, trước khi trở lại căn cứ.
Gần đây, một chiếc Global Hawk đã được dùng để đánh giá thiệt hại ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi, bị rò rỉ phóng xạ sau một trận động đất sóng thần.
Zeiser thừa nhận thuyết phục công chúng không phải chuyện dễ dàng. Nhưng ông nói rằng người ta có thể thay đổi thái độ công chúng bằng cách cho thấy UAV là công cụ an toàn, tiên tiến nhằm giúp giảm thiểu những mối nguy mà người ta có thể phải đối mặt.

Đọc thêm