20 năm giải mã Hoàng thành Thăng Long trải dài 13 thế kỷ
Tại Hội thảo khoa học quốc tế "20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội" tổ chức đầu tháng 9/2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ XI - thế kỷ XII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - thế kỷ XX), các triều đại phong kiến Việt Nam liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay.
Phục dựng nghi lễ cung đình ở Hoàng thành Thăng Long. |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định cuộc khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau, khẳng định đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử-văn hóa lâu đời, là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu, đồng thời là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật cũng như phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch UBND TP thông tin, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt ra 3 nội dung lớn đối với công tác bảo tồn di sản này, bao gồm: Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; trưng bày các thông tin, hiện vật liên quan tới di tích và phục dựng Điện Kính Thiên.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng nhận định, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Giấc mơ khôi phục kiến trúc quan trọng nhất của Hoàng thành
Vấn đề phục dựng Điện Kính Thiên tiếp tục được đưa ra với những tư liệu, giả thiết mới, góp phần hiện thực hóa giấc mơ khôi phục kiến trúc quan trọng nhất của Hoàng thành.
Điện Kính Thiên được khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần... Do đó, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV-XVIII).
Năm 1816, vua Gia Long đã cho dỡ điện Kính Thiên với lí do “kiến trúc đã bị mục nát không thể tu bổ được” và cho dựng một tòa điện mới gọi là chính điện Hành cung, năm 1841 vua Tự Đức đổi thành điện Long Thiên. Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc.
PGS - TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN- người đã ở bên những hố khai quật từ ngày di sản này lần đầu phát lộ cho hay, những điều đã được giải mã sau 20 năm. Chẳng hạn, giờ đây vị trí HTTL thời Lý đã được xác định tương đối chính xác ở vào khoảng khu vực 18 Hoàng Diệu và khu vực Chính điện Kính Thiên. Trong khi trước năm 2002, nhìn chung các ý kiến về vị trí chính xác của HTTL và Cấm thành Thăng Long thời Lý chỉ là phỏng đoán. Các kiến trúc, hệ thống di vật của các thời đều được tìm thấy, xác định rõ ràng hơn năm 2002 rất nhiều. Hoặc hiện nay về cơ bản chúng ta đã xác định được cấu trúc không gian Chính điện Kính Thiên và có được những hiểu biết khá cơ bản ban đầu về kiến trúc của nó. Kết cấu cơ bản của không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê chính là Đoan Môn - Đan Trì - điện Kính Thiên. Sân Đan Trì của Thăng Long ngày nay chính là sân Đại Triều…
Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trăn trở bảo rằng việc triển khai phục dựng Điện Kính Thiên quá chậm trễ. Là người nghiên cứu lịch sử, tâm huyết với di sản, ông bày tỏ sự lo lắng khi "trái tim của Hoàng thành Thăng Long xưa" chỉ còn dấu tích trên những bậc thềm đá: "Chúng ta đã mắc nợ tổ tiên, nợ di sản thế giới này quá lâu." Tâm nguyện của giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cũng là tâm nguyện của đông đảo các nhà khoa học quan tâm tới Hoàng thành Thăng Long.
Theo giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, vị trí của tòa chính điện thành Thăng Long tính đến nay đã trải qua hơn 1.000 năm, song hầu như không có sự thay đổi. Ngay cả vào thời Nguyễn, kinh đô chuyển về Huế, thì điện Kính Thiên vẫn được duy trì như một hành cung khi vua tuần du ra Bắc.
“Như các nhà khảo cổ học đã nói, với tốc độ khai quật như hiện nay thì phải trăm năm nữa chúng ta mới khảo cổ xong Hoàng thành. Do đó, tôi đề nghị không nên chờ đào hết mới khôi phục mà cần dựa trên những kết quả mới thu được để tiến hành ngay,” giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nói.
Di sản văn hóa của Thế giới- Hoàng thành Thăng Long. |
Đồng tình với quan điểm đó, tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội) cho rằng nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên là công việc hết sức cấp thiết có ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc không chỉ đối với Thăng Long-Hà Nội mà còn với cả nước.
“Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều kích nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3-5 năm thì trong vòng 10 năm tới có hy vọng để phục dựng điện Kính Thiên,” Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất xây dựng một “trung tâm thông tin-công nghệ”: công nghệ hiện thực ảo, công nghệ 3D mapping... về di sản với hình thức một bảo tàng cung đình. Mục tiêu của bảo tàng không chỉ giới thiệu các cổ vật, di vật có giá trị mỹ thuật cao mà phải tái hiện được diện mạo kiến trúc của Cung đình Thăng Long qua các giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, phần trưng bày của bảo tàng nay phải phản ánh được các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với cung đình xưa mang tính bác học hay còn gọi là văn hóa Cung đình Thăng Long.
TS Phạm Lê Huy (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) góp ý kiến nêu nhiều hướng nghiên cứu di tích này trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh ngoài nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là tập trung nghiên cứu về thời Lê, phục dựng điện Kính Thiên, thì cũng cần tiếp tục nghiên cứu các giai đoạn khác ở di tích này như nghiên cứu thời Lý - Trần, di tích hành cung Long Thiên thời Nguyễn, thời kỳ tiền Thăng Long (thời Tùy Đường), hay thời thuộc Minh.
Ông Huy cho rằng tuy thời Tùy Đường, thuộc Minh là những giai đoạn chúng ta chịu sự đô hộ của nước ngoài, ít được nghiên cứu, nhưng đó vẫn là giai đoạn lịch sử mang tính cơ hữu của di tích này, giúp chúng ta làm rõ tính chất liên tục của di tích - điều mà UNESCO đánh giá cao nhất ở di tích này. Ông Huy cũng đặt hy vọng thời gian sắp tới Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình 3D về di tích này để người dân bình thường cũng có thể tiếp cận, hình dung về di tích hơn, bởi tới nay vẫn có không ít người chỉ nhìn di tích vô giá này như "đống gạch vỡ" ở các hố khai quật.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, năm 2009 Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2010, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa của Thế giới, đúng vào dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Kể từ đó đến nay, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu Di sản.