Giải mã tâm lý đứa con bất hiếu độc ác bậc nhất nước Mỹ

(PLO) - Sau hơn 40 năm, tội ác của sát nhân Edmund Kemper vẫn khiến người ta cảm thấy sốc. Kemper là sát nhân hàng loạt độc ác có tiếng ở nước Mỹ, nạn nhân của Kemper bao gồm ông bà nội, mẹ ruột cùng với 6 cô gái tuổi từ 15-23. 
Edmund Kemper bị kết án chung thân
Edmund Kemper bị kết án chung thân

Tuổi thơ bất bình thường

Những sát nhân thường không có tuổi thơ bình thường, Edmund Kemper cũng không phải ngoại lệ. Sinh ngày 18/12/1948, là con trai thứ 2 trong gia đình 3 anh chị em, cha là Edmund Emil Kemper II, một cựu chiến binh Thế chiến II và mẹ là Clarnell Elizabeth Kemper,  Edmund Kemper từ nhỏ đã là một đứa trẻ thông minh, nhưng vì bị hành hạ cả về mặt thể xác lẫn tinh thần nên thay đổi tâm tính một cách bất thường. 

Sống với mẹ khi hai người ly dị nhau, Edmund Kemper thường xuyên bị bạo hành, nhốt vào trong hầm tối một mình vào ban đêm mỗi khi mẹ say rượu. Từ đó, Kemper luôn muốn tất cả mọi người trên thế giới này phải chết, và hình dung ra cái chết của nhiều người. 

Năm 10 tuổi, Kemper tự tay giết chết con mèo cưng của gia đình. Năm 13 tuổi, Kemper giết thêm một con mèo khác, nhưng lần này dã man hơn khi đem cắt đôi con mèo và vứt trong tủ quần áo. 

14 tuổi Kemper căm giận mẹ, bỏ đi tìm cha nhưng lúc này người cha đã có một gia đình khác và không mong muốn có sự xuất hiện của Kemper. Một thời gian sau đó, Kemper được đưa về Montana nhưng bà Clarnell cũng không chào đón bởi bà đang lên kế hoạch cho việc tái hôn của mình. Cuối cùng, năm 15 tuổi, Kemper bị mẹ gửi về sống với ông bà nội ở tại một trang trại rộng lớn phía bắc California, tất nhiên cũng không được chào đón. 

Bản thân Kemper cũng không thích ông bà nội. Kemper ghét cách mẹ đối xử với mình và cũng không thích bị ông bà quản lý. Cả hai phía luôn yêu cầu và ép Kemper phải làm mọi điều theo ý họ. Kemper đã sớm có ý định chống lại và “trả thù”. 

Không bao lâu sau, trong một lần mâu thuẫn, bà nội Maude 66 tuổi đã dùng những lời nói nặng nề với Kemper trong bếp ăn. Trước đó, Kemper bị mẹ mình mắng vì không nghe lời. Kemper dồn mọi sự tức giận lên bà nội và tỏ ra hỗn láo. Khi sự việc lên đến đỉnh điểm, Kemper chạy tới góc nhà, vớ lấy khẩu súng trường, hướng về phía bà và nổ súng.  

Lúc tỉnh táo lại và nhận ra tội ác của mình, Kemper tỏ ra sợ hãi. Đúng lúc này, ông nội từ ngoài lái xe về trang trại, vì sợ bị phát hiện nên Kemper kéo xác bà nội vào trong phòng ngủ. Đến khi ông nội bước vào cửa, Kemper cũng lập tức nổ 2 phát súng.

Bình tĩnh trở lại, thay vì bỏ trốn, Kemper gọi điện thoại cho mẹ thông báo tình hình sự việc. Bà Clarnell hoảng loạn, không tin vào những gì con trai nói nhưng vẫn gọi điện ngay cho cảnh sát để thông báo mọi chuyện. Cảnh sát nhanh chóng có mặt tại hiện trường, lúc này Kemper đã ngồi sẵn ngoài hiên, sẵn sàng bị bắt giữ. Sau này, Kemper khai với cảnh sát rằng ra tay với bà nội chỉ là “vô tình”, còn giết ông nội vì sợ ông phát hiện. 

Ông bà nội và mẹ của Edmund Kemper
Ông bà nội và mẹ của Edmund Kemper

Kemper được chuyển đến bệnh viện tâm thần ở tiểu bang Atascadero để kiểm tra tâm lý, kết quả Kemper có dấu hiệu hoang tưởng, tâm thần phân liệt nhưng lại có chỉ số IQ lên đến 145, gần như chỉ số IQ của một thiên tài. Kemper bị kết án 5 năm tù giam, vì hệ thống pháp luật ở California chưa đưa ra những điều luật cụ thể để trừng trị một kẻ tội phạm giết người mới chỉ 15 tuổi.

Thân hình to lớn và có chỉ số IQ lên tới 145, Edmund Kemper là một kẻ giết người đáng sợ ở mọi góc độ.  Đến sinh nhật năm 21 tuổi vào năm 1969, Kemper được trả tự do trở về với mẹ, nhưng 5 năm tù giam không đủ khiến Kemper hối hận về những hành động máu lạnh của mình. Hồ sơ phạm tội của Kemper cũng bị xóa sổ. Tuy nhiên, các bác sĩ tâm thần đã khẳng định Kemper không nên quay về sống với mẹ. Thái độ thù ghét vốn có với mẹ của Kemper có thể khiến Kemper trở nên bạo lực hơn.

Lún sâu vào tội ác

Trở lại với cuộc sống bình thường, Kemper tiếp tục học nốt trung học và từng ước mơ trở thành cảnh sát, nhưng đối với một kẻ từng ra tay sát hại ông bà nội, chuyện đó là không thể. 

Trưởng thành hơn một chút, Kemper bắt đầu đi làm và dần dần tách khỏi người mẹ không mấy yêu thương. Kemper chuyển đến Alemada sống với một người bạn, tự mình mua một chiếc xe, dụ dỗ hàng trăm cô gái cho đi nhờ xe, từ đó chính họ trở thành những con mồi để Kemper có thể ra tay bất kỳ lúc nào thích. Kemper cũng tự chuẩn bị sẵn một số đồ như dao, còng tay, súng…và thường xuyên nghĩ đến chuyện giết người và thực hiện hành vi bệnh hoạn. 

Ngày 7/5/1972, Kemper cho hai nữ sinh 18 tuổi là Mary Ann Pesce và Anita Mary Luchessa đến Đại học Stanford. Hai cô gái đã rất mừng khi được Kemper đồng ý cho đi nhờ xe. Nhưng thay vì đưa đến trường học, Kemper lái xe phóng nhanh ra phía đường cao tốc và rẽ vào một con đường vắng, đưa cả hai cô gái về nhà mình.

Với thân hình to lớn, khỏe mạnh, Kemper dễ dàng khống chế được hai cô gái. Pecse bị còng tay còn Luchessa bị buộc ngay tại xe.  Ban đầu, Kemper chỉ có ý định hãm hiếp hai cô, nhưng lo sợ bị lộ, Kemper quyết định sát hại.

Kemper lôi họ vào phòng ngủ và chụp ảnh khiêu dâm, quan hệ tình dục với hai xác chết, rồi phi tang. Sau này khi tiến hành tìm kiếm, một phần cơ thể của Mary Ann Pesce đã được phát hiện tại một khu vực đồi núi gần đó. Xác Anita Luchessa không được tìm thấy.

Sáu cô gái chết dưới tay Edmund Kemper
Sáu cô gái chết dưới tay Edmund Kemper 

Tháng 9/1972, nạn nhân tiếp theo rơi vào tay Kemper là Aiko Koo, học sinh trường múa 15 tuổi người Hàn Quốc. Cũng như hai cô gái trước, Aiko Koo cũng vì lỡ xe bus mà đi nhờ xe Kemper. Kemper đưa cô bé đến một nơi hẻo lánh, đánh ngất sau đó hãm hiếp và giết hại. Thủ đoạn cho đi nhờ xe tiếp tục khiến cho cô bé Cindy Schall, 18 tuổi trở thành nạn nhân kế tiếp. 

Ngày 5/2, sau một cuộc tranh luận gay gắt với mẹ, Kemper bỏ ra ngoài. Nạn nhân ngày hôm đó là Rosalind Thorpe và Allison Liu. Lần này dã man hơn, sát nhân man rợ cắt đầu và chỉ mang hai cái xác không về nhà mẹ để quan hệ tình dục. 

Sau khi giết chết 6 cô gái, Kemper xuất hiện ý nghĩ sát hại chính người mẹ vì lo sợ bà phát hiện. Ngày 20/4/1973, trong khi bà Clarnell đang ngủ vì say rượu, Kemper đã dùng một cái búa để gây án. Thi thể bị chia thành nhiều mảnh và đem giấu trong tủ quần áo. Cùng đêm hôm đó, Kemper tiếp tục mời người bạn thân nhất của mẹ mình, Sara Hallett, 59 tuổi, đến nhà ăn tối và xem phim, sau đó bị hắn bóp cổ cho đến chết. 

Ngày 7/5/1973, Edmund Kemper bị truy tố về 7 tội danh giết người. Trong thời gian bị giam giữ chờ xét xử, Kemper đã cố tự tử hai lần bằng cách cắt cổ tay nhưng đều không thành công. Phiên tòa xét xử Kemper được mở công khai ngày 23/10/1973. Có tới ba bác sĩ tâm thần đưa ra kết quả xác định Kemper hoàn toàn bình thường về tâm lý khi gây án. Kemper hoàn toàn ý thức được việc mình làm là sai, thậm chí còn biết lên kế hoạch cho những vụ bắt cóc, giết người.

Phiên tòa xét xử kéo dài gần 3 tuần, rất nhiều thân nhân của các nạn nhân có mặt. Kemper tỏ ra khá bình tĩnh khi nghe tòa tuyên án. Ngày 8/11/1973, sau hơn 5 tiếng bàn bạc, cân nhắc, đoàn bồi thẩm gồm 12 thành viên đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Kemper phạm tội giết người ở cấp độ nguy hiểm. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tòa án tối cao Mỹ đã xóa bỏ án tử hình. Tất cả các án tử hình được tuyên trước đó sẽ chuyển thành án chung thân không có khả năng phóng thích (sau này án tử hình được thi hành lại tại một số bang của Mỹ từ ngày 1/1/1974). 

Như vậy, bản án cuối cùng dành cho Kemper là án chung thân. Kemper được đưa đến trung tâm tế ở Vacaville, phía Bắc San Francisco để theo dõi trước khi chuyển đến nhà tù an ninh ở Folsom thụ án. 

Đọc thêm