Giải pháp để GDP tăng trưởng cao những tháng cuối năm

(PLVN) -  Để có thể phục hồi được phần nào kinh tế trong quý cuối cùng của năm nay, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cùng với kiểm soát tốt dịch bệnh, tiếp tục triển khai hiệu quả tiến độ tiêm vaccine, cần thúc đẩy thực hiện loạt giải pháp...
Ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn do tác động của dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương, lần đầu tiên, kể từ ngày tiến hành điều tra và công bố số liệu thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của một quý giảm mức sâu nhất như thế, giảm âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020.

Bà Hương lý giải, do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh nên GDP quý III/2021 mới giảm trầm trọng như vậy. Tính chung, 9 tháng năm 2021, GDP tăng 1,42%.

Số liệu công bố hôm qua cũng cho thấy, lần đầu tiên tỷ lệ doanh nghiệp (DN) thành lập mới thấp hơn rất nhiều so với số lượng DN giải thể. Cụ thể, dịch bệnh đã làm cho hơn 90.000 DN rút lui khỏi thị trường.

Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 12.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trung bình một tháng có đến 10.000 DN rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, trong cả 9 tháng, chỉ có 3.899 DN thành lập mới.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng có mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, chỉ ở mức 1,82% trong 9 tháng. Bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, TCTK - cho biết, mức tăng này được xem là điều kiện thuận lợi và dư địa cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay.

Lý giải về CPI 9 tháng có mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm nay, bà Việt nói, do giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021 - 2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân giúp CPI có mức tăng thấp.

Ngoài ra, CPI giảm còn do người dân hạn chế đi lại, giá vé máy bay 9 tháng năm nay giảm 20,91% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,69%...

Nhiều thách thức trong quý IV/2021

Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, TCTK dự báo, GDP của năm 2021 khó có thể hoàn thành như mục tiêu Quốc hội giao, bởi GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021 thì GDP quý IV phải đạt mức rất cao, tuy nhiên, trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, đó là điều không thể xảy ra.

Sang quý IV/2021, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Cùng với đó, sự phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải.

Do đó, để có thể phục hồi được phần nào kinh tế trong quý cuối cùng của năm nay, theo Tổng cục trưởng TCTK, trước hết cần thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 gắn với mở rộng cơ sở tiêm, đối tượng tiêm.

Tiếp theo là cần tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, DN chống chịu, vượt qua khó khăn. Đặc biệt lưu ý chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập, lao động phi chính thức cần được triển khai hiệu quả để người lao động yên tâm ở lại các địa phương (vùng có dịch), đảm bảo nguồn nhân lực cho công cuộc phục hồi kinh tế.

Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, trên cơ sở thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng cũng được kể đến như một biện pháp chủ đạo để khôi phục kinh tế. Ngoài ra, cần từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng cục trưởng TCTK còn cho rằng, để khắc phục tình trạng nhập siêu (9 tháng nhập siêu hơn 2,1 tỷ USD), Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước, đồng thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ miễn, giảm các loại phí cho DN trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

TCTK cho rằng, tăng trưởng GDP quý IV phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ để kích thích phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự vươn lên của chính các DN.

“Tôi tin là quý IV/2021 sẽ có mức tăng trưởng cao, thậm chí cao hơn quý I và có thể đạt được như quý II, thời điểm mà nền kinh tế đã có khởi sắc. Sự kỳ vọng này không phải chỉ bằng niềm tin mà vì chúng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm, phản ứng kịp thời, từ đó nhân rộng hiệu quả chính sách, sẽ tạo nên sự khởi sắc nhanh nhất của quý IV, để có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2021”, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương tin tưởng.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trên 24%

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%.

Trong tháng 9/2021 xuất siêu đạt 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 16,66 tỷ USD). Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,35 tỷ USD, giảm 6,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,15 tỷ USD, giảm 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 tăng 9,5%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,7%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,72 tỷ USD, tăng 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD, tăng 33,6%.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm