Giải pháp để xử lý 'tận gốc' nạn 'chặt chém' du khách ở TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bãi giữ xe tự phát, hàng rong “chặt chém”... là một số vấn nạn đang diễn ra tại khu vực trung tâm TP HCM thời gian qua, đặc biệt thời điểm cận Tết Nguyên Đán.
Hàng rong tự phát tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh minh họa - Linh Huỳnh)
Hàng rong tự phát tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh minh họa - Linh Huỳnh)

Hình ảnh xấu trong mắt du khách

Vừa qua, một nữ du khách nước ngoài đã lên TikTok “review” về tình trạng “chặt chém” cô gặp phải tại khu vực trung tâm TP HCM. Trong đoạn clip, nữ du khách hỏi một người bán dừa gần Bảo tàng TP HCM và được báo giá một trái dừa là... 150 nghìn đồng. Sau khi nữ du khách chê đắt, bỏ đi thì người bán dừa nhanh chóng hạ giá lần lượt xuống còn 75 nghìn, 50 nghìn.

Trong clip cũng xuất hiện một số du khách khác chia sẻ về trải nghiệm xấu với dịch vụ đánh giày rong, kể lại chuyện bị “ép đánh giày” với mức giá 350 nghìn/đôi. Hai du khách trên đã phải “đấu tranh” với người đánh giày và trả số tiền 50 nghìn đồng.

Trước đó, một YouTuber người nước ngoài khác cũng chia sẻ đoạn video “bị” mua 3 đôi tất gần 1 triệu đồng tại chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM. Những đoạn clip phản ánh hiện tượng “chặt chém” nói trên hầu hết từ những người thường xuyên đi du lịch, có lượng người theo dõi lớn trên mạng và từng có nhiều clip nói về sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Chính vì thế, mặc dù cơ quan quản lý đã vào cuộc, xử lý các cá nhân liên quan đến hiện tượng “chặt chém” được nêu nhưng các clip trên vẫn ảnh hưởng đến thiện cảm của một bộ phận du khách quốc tế về du lịch Việt Nam.

Không chỉ du khách quốc tế mà du khách trong nước, ngay cả người dân sinh sống ở TP HCM cũng không ít người trở thành nạn nhân của nạn “chặt chém” tại khu vực trung tâm. Có tiệm miến bị người dân phản ánh “chém” với giá lên đến 700 ngàn/tô miến. Không ít quán cà phê tự tiện bày bạt, vỏ thùng carton lấn chiếm các khuôn viên vỉa hè, công viên ở khu vực trung tâm, ép khách uống nước và trả tiền với giá cao gấp 2, 3 lần giá bán thông thường.

Đặc biệt, tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều quán nước, bánh tráng trộn, xiên nướng, ăn vặt... bày biện lấn chiếm lòng phố, cản trở lưu thông, lấy giá “cao ngất”. Những hàng rong tự phát, “chặt chém” như trên đa phần tập trung quanh các khu vực mua sắm, trung tâm thương mại và điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt phổ biến ở các thời điểm “nóng” như khi diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật, dịp lễ, dịp Tết. Đây là một trong những hiện tượng làm xấu bộ mặt đô thị trung tâm, ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo và có chiến dịch truy quét nhưng lại “đâu vào đấy”.

“Loạn” giá giữ xe

Không chỉ hàng rong, dịch vụ giữ xe “loạn” giá cũng là một vấn đề đáng quan ngại tại trung tâm TP HCM, đặc biệt vào những dịp có sự kiện hoặc thời điểm lễ Tết. Anh Lê Thanh Hùng (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết, thời điểm Noel vừa qua, anh và gia đình có nhu cầu tham quan khu vực trung tâm thành phố để xem trang trí Giáng sinh. Vì các điểm giữ xe chính quy quá đông đúc, nhiều điểm hết chỗ, anh đã chọn gửi xe máy tại một điểm tự phát gần khu vực Bưu điện thành phố mà quên hỏi giá giữ xe. Khi ra lấy xe, anh tốn 40 nghìn đồng cho 2 tiếng đồng hồ gửi xe, trong khi các điểm chính quy giá gửi xe có 10 nghìn đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Phi Hoa (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) đã có một trải nghiệm không vui với dịch vụ giữ xe tự phát ở khu vực trung tâm vào dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái, khi chị và người bạn loay hoay tìm điểm gửi xe để đi ngắm đường hoa Nguyễn Huệ và bị “hét giá” 50 ngàn đồng cho 1 lần gửi xe.

Việc các điểm giữ xe tự phát mọc lên nhan nhản những dịp lễ, Tết, có sự kiện mang nhiều hệ quả tiêu cực: Không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của thành phố mà còn gây nên thực trạng lấn chiếm lòng lề đường, cản trở lưu thông, mất trật tự đô thị. Cạnh đó, vào thời điểm đông đúc, nếu xảy ra mất xe tại các điểm giữ xe tự phát cũng khó giải quyết hậu quả, gây rủi ro cho người gửi.

Thực trạng hàng rong “chặt chém”, giữ xe giá “hét giá” nói trên càng có cơ hội tăng mạnh khi Tết Nguyên Đán gần kề. Vì thế, cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để “trừ tận gốc”, mang lại hình ảnh đẹp cho thành phố.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP HCM đã thống nhất chủ trương, đề xuất của quận 1 về việc sẽ bàn giao 3 tuyến đường quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ (Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Hải Triều) để quận 1 quản lý dịp trước Tết Nguyên Đán 2024. Tiếp đó, quận 1 sẽ tổ chức giữ xe máy trên lòng đường theo hình thức đấu thầu lựa chọn các tổ chức phù hợp để hoạt động giữ xe có thu phí. UBND quận 1 cũng kiến nghị TP HCM cho phép dùng tạm một số khu đất trống để làm các bãi xe, giao cho đơn vị giữ xe đúng giá cho người dân khi tham gia lễ hội được tổ chức ở khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, kiến nghị TP HCM chỉ đạo các đơn vị tăng thời gian phục vụ của các phương tiện công cộng ở khu vực trung tâm vào các dịp tổ chức lễ hội, sự kiện để người dân hạn chế đi xe cá nhân. Từ đó, giảm ùn tắc giao thông và không tạo điều kiện cho một số người xấu trục lợi bằng việc giữ xe "chặt chém" giá.

Đọc thêm