Để xử lý tội phạm du lịch tình dục trẻ em (DLTDTE), xét về phương diện luật pháp, Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về tội phạm DLTD, khái niệm DLTD vẫn còn mới mẻ và chưa được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của Việt Nam…
|
Thử thách lớn về thực thi pháp luật
Việt Nam hiện có nhiều các văn bản pháp luật liên quan để phòng, chống và xử lý các vi phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Pháp lệnh về phòng chống mại dâm năm 2003; Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2008); Luật Phòng chống mua bán người; Bộ luật Hình sự 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)…
Đặc biệt, Bộ luật Hình sự quy định nhiều tội phạm về tình dục với trẻ em như tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em, tội dâm ô đối với trẻ em... và các chế tài đối với các tội xâm phạm trẻ em rất nghiêm khắc với hình phạt cao nhất đến mức tử hình… Tuy nhiên, để xử lý tội phạm DLTDTE, xét về phương diện luật pháp, Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về tội phạm DLTD, khái niệm DLTD vẫn còn mới mẻ và chưa được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Đây cũng chính là một trong những động cơ chính của buổi hội thảo “Tham vấn khung pháp luật về phòng, chống du lịch tình dục trẻ em tại khu vực Mêkông giai đoạn 2010-2014” diễn ra trong hai ngày từ 20-21/02 tại Đồ Sơn- Hải Phòng do Bộ Tư pháp kết hợp với UNODC tổ chức nhằm đánh giá thực trạng tội phạm liên quan đến tình dục trẻ em, đặc biệt là du lịch tình dục trẻ em và hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống tội phạm liên quan đến tình dục trẻ em cũng như nhằm thống nhất các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Dự án với các cơ quan đối tác…
Hội thảo cũng cung cấp một cái nhìn tổng thể về các nghĩa vụ pháp luật quốc tế cơ bản liên quan đến DLTDTE, rà soát luật pháp và chính sách hiện hành của Việt Nam để xác định sự tương đồng và cơ hội để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia để đảm bảo tội phạm DLTDTE không thể trốn tránh khỏi công lý.
Hiện tại, vẫn chưa có một định nghĩa nào được công nhận trên toàn thế giới về DLTDTE. Tuy nhiên, theo định nghĩa do ECPAT Internaitional đề xuất và được UNODC công nhận đã mô tả DLTDTE là hành vi bóc lột tình dục trẻ em của một hoặc nhiều người đã di chuyển khỏi địa bàn tỉnh nơi họ sinh sống, hoặc khỏi vùng địa lý nơi họ sinh sống, hoặc khỏi quốc gia nơi họ sinh sống, để có quan hệ tình dục với trẻ em. Đối tượng DLTDTE có thể là khách du lịch trong nước hoặc khách du lịch nước ngoài thường bao gồm việc sử dụng các dịch vụ khác liên quan đến du lịch để tiếp xúc với trẻ em và để giúp giữ kín tung tích của thủ phạm đối với người dân và môi trường bên ngoài…
Cũng vì thế, tội phạm DLTDTE đưa ra thử thách lớn về thực thi pháp luật, thường không bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, kẻ phạm tội sử dụng các dịch vụ du lịch và sự nặc danh của họ để bóc lột những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, sau đó trở về quê hương của họ mà không bị trừng phạt hoặc ở lại trốn tránh tại cộng đồng…Đặc tính nặc danh và di động của kẻ phạm tội đòi hỏi ứng phó thực thi pháp luật phải toàn diện và phối hợp để hạn chế thấp nhất các lỗ hổng pháp luật và bảo đảm rằng các giới hạn về thẩm quyền không cản trở việc truy tố…
Những kẽ hở cần “bịt”
Theo đánh giá của Dự án về Trẻ em (là chương trình được cơ quan phát triển quốc tế Ôxtralia tài trợ trong thời gian 4 năm từ 2010-2014 để đấu tranh với du lịch tình dục trẻ em, tập trung thực hiện tại 4 nước ưu tiên tại Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Thái lan và Việt Nam), pháp luật Việt Nam không hình sự hóa trực tiếp hành vi DLTDTE. Tuy nhiên, có thể sử dụng các luật khác để truy tố hành vi của tội phạm DLTDTE, đặc biệt là Bộ luật Hình sự ; Luật về Bảo vệ, giáo dục và chăm sóc TE; Pháp lệnh về phòng chống mại dâm cũng quy định các chuẩn mực quan trọng về chăm sóc và bảo vệ trẻ em khỏi mại dâm, nhưng không quy định các chế tài hình sự. Các luật này tạo thành nền tảng cho việc hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật để tăng cường thực thi các chuẩn mực quốc tế cơ bản liên quan đến DLTDTE tại VN.
Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề vướng mắc, đó là theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật liên quan đến trẻ em khác, thì trẻ em được định nghĩa là người dưới 16 tuổi. Quy định này không phù hợp với độ tuổi theo quy định của các chuẩn mực quốc tế cơ bản theo yêu cầu của các quốc gia định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi. Kẽ hở này quan trọng này trong hệ thống pháp luật cần phải chỉ ra để đảm bảo trẻ em được bảo vệ đầy đủ theo yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế.
Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến thảo luận về khái niệm “trẻ em” để phù hợp theo Nghị định thư và chuẩn mực pháp luật quốc tế khác. Từ đó thấy “nổi” lên một vấn đề là Bộ luật Hình sự Việt Nam đã hình sự hóa hành vi mại dâm trẻ em, tuy nhiên, các quy định hiện hành lại chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về quyền trẻ em.
Các thuật ngữ được sử dụng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam để hình sự hóa hành vi truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy đáp ứng một cách rộng rãi các yêu cầu của Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về quyền trẻ em, tuy nhiên vẫn còn một số lỗ hổng. Ví dụ như, cần phải phân biệt giữa văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em và người lớn để đảm bảo không có sự mơ hồ trong tính chất của văn hóa phẩm khiêu dâm và phản ánh có tính chất nghiêm trọng của tội phạm. Các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành không quy định các vấn đề này. Hay
Bộ luật Hình sự Việt Nam không hình sự hóa hành vi sở hữu. Theo các chuyên gia, yếu tố then chốt này được phải quy định trong luật để đảm bảo các tội phạm tình dục trẻ em mà vẫn giữ văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em để sử dụng cho riêng mình (dù không có ý định phân phát) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Theo đánh giá của tổ chức UNODC, hiện nay, để đảm bảo những quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực quốc tế then chốt và xây dựng được hệ thống pháp luật ứng phó tốt với tội phạm DLTDTE, cần phải thực hiện chương trình sửa đổi pháp luật tập trung vào hình sự hóa toàn diện các hình thức chính của hành vi đặc thù liên quan đến DLTDTE, đặc biệt là mại dâm, khiêu dâm trẻ em và quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tư pháp hình sự.
Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa thấp, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, hoặc giả yêu đương rồi tìm mọi cách bán, xâm hại, ép bán dâm… Năm 2011, Hải Phòng xảy ra 840 vụ pháp luật hình sự, bắt giữ xử lý 952 đối tượng trong đó có 21 vụ xâm hại tình dục trẻ em gồm 27 đối tượng, 44 em bị xâm hại. Điều quan trọng là cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thông tin, tìm nguồn hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật để đấu tranh chống buôn bán, mại dâm và du lịch tình dục trẻ em. Cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn để đề xuất việc ký kết hợp ước tương trợ tư pháp song phương với các quốc gia khác (Ông Đinh Mạnh Tuấn- Đại diện Phòng CSHS, CATP Hải Phòng) |
Thiên Bình - Phương Thanh