Giải pháp nào đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học?

(PLO) - Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm học sinh nhập viện đã nói lên thực trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) trong nhà trường không còn là nguy cơ mà đã trở thành một nỗi lo thường trực, hiện hữu, đòi hỏi phải có một giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Các trường cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục, nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm
Các trường cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục, nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm

Nhà trường phải chủ động, kiểm soát chặt chẽ

Là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, thế nhưng tỉnh Phú Thọ trong những năm vừa qua không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm diễn tra trong nhà trường. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 318/318 trường mầm non và 74/306 trường tiểu học tổ chức cho học sinh ăn bán trú.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ngay từ đầu năm học, các trường bán trú đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chế độ ăn cho học sinh. Đặc biệt, một số trường còn trồng thêm rau xanh, vừa tạo cảnh quan môi trường vừa chủ động nguồn thực phẩm an toàn.

Nhiều trường, đầu tư thêm cơ sở vật chất để khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín với quy mô, thiết bị hiện đại.

Như Trường mầm non Sóc Nâu, thành phố Việt Trì đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp, nhà ăn thoáng mát, hợp vệ sinh. Khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình “một chiều”, chia thành các khu riêng biệt. Nước sử dụng trong sinh hoạt của trường là nước máy hợp vệ sinh.

Để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, nhà trường lựa chọn những cơ sở cung cấp có uy tín là các siêu thị, có địa chỉ rõ ràng để ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Thực đơn thực phẩm được lên lịch theo tuần, theo mùa. Bên cạnh đó, trường chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện chế độ ăn cho trẻ theo biểu đồ dinh dưỡng.

Tại Hà Nội, một số trường học đã thực hiện nâng cao quy trình giám sát nguồn gốc và cách chế biến thực phẩm. Như tại Trường tiểu học Đức Giang gần 10 năm trở lại đây bếp ăn của nhà trường không xảy ra vấn đề về ngộ độc thực phẩm.

Theo cô Phạm Thị Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết,  thực phẩm đầu vào ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm trên địa bàn huyện. Khi thực phẩm đến, bếp trưởng sẽ kiểm tra thực phẩm, nếu không đảm bảo chất lượng bằng cảm quan (ví dụ nhìn mớ rau không tươi, củ khoai tây dập...) thì trả lại luôn. Hiện có 10 nhân viên phụ trách bếp ăn của nhà trường.

Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Hà, cái khó của bữa ăn trường học là nhiều loại thực phẩm giao hằng ngày, khâu giao - nhận nếu không chặt chẽ thì rất có thể có rau, thịt không chuẩn được “tuồn” vào. Do đó, để đảm bảo vệ sinh ATTP bếp ăn trường học, nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền về kiến thức ATTP cho nhân viên nhà bếp.

Hàng năm nhà trường đều ký cam kết về đảm bảo ATTP với các công ty cung cấp. Tiếp đến là khâu nhận thực phẩm hàng ngày rất chú trọng. Nhà trường mời phụ huynh tham gia kiểm tra thực phẩm hàng ngày. Cùng với thực đơn đã gửi thì phụ huynh đều có thể đến kiểm tra thực phẩm vào bất cứ lúc nào.

Tăng cường giám sát

Để bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội - Hoàng Thị Minh Thu cho rằng, đầu tiên cần nâng cao nhận thức, kiến thức an toàn thực phẩm cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường. Mặt khác, các trường cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đồng thời, phân công cán bộ, nhân viên hàng ngày theo dõi việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước: trước khi chế biến thức ăn, trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu các nhà trường cần tăng cường chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc chọn mua và nhập thực phẩm, quá trình sơ chế, chế biến và ăn uống tại bếp ăn bán trú nhà trường.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT) cho biết:  Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan quản lý đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Năm học 2017-2018, hơn 600 đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã được thành lập và trực tiếp đi kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm và tổ chức bếp ăn bán trú tại các trường học.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có 97% số bếp ăn đã ký cam kết an toàn thực phẩm và cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm; 99% số người trực tiếp tham gia đến thực phẩm được khám sức khỏe theo quy định; 100% số thiết bị, dụng cụ chế biến bảo đảm hợp vệ sinh. Các nhà trường đã có ý thức hơn trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, 93% số trường đã thực hiện kiểm thực 3 bước hàng ngày và lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Cần chế tài xử lý mạnh hơn

Góp ý về giải pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn xâm nhập vào nhà trường, chuyên gia Nguyễn Thị Xuân (Khoa Luật – Học Viện Cảnh sát) cho biết: Trong những năm qua, việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý lĩnh vực ATTP và đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khiến công tác đảm bảo ATTP vẫn còn bất cập.

Cụ thể, hệ thống các quy định về quản lý chất lượng ATTP còn quá nhiều gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Trong các văn bản QPPL còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Đặc biệt, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP còn chưa cao, cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn áp dụng.

Theo quy định tại Điều 6 Luật ATTP, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATTP quy định có 2 biện pháp xử lý: xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự, nhưng trong thực tế chưa có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền trong việc quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP tại Điều 5 Luật ATTP.

Thêm nữa, sự thiếu ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật đó đã gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh thực phẩm cũng như công tác kiểm soát ATTP của các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, chuyên gia Nguyễn Thị Xuân cho rằng: các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát các quy định về đảm bảo ATTP. Đầu tiên, cần rà soát và bổ sung quy chế quản lý nhập khẩu hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, các phụ gia thực phẩm, các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chống di nhập các loại sinh vật lạ lây lan mầm bệnh, làm biến đổi gen. Loại bỏ những điểm chồng chéo giữa các văn bản của các bộ ngành khác nhau, những quy định không hoặc ít có tính khả.

Tiếp đó, rà soát lại các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm tươi sống và chế biến, quy định về điều kiện vệ sinh ATTP đối với thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm tiêu thụ tại Việt Nam, các quy định về ghi nhãn chi tiết đối với thực phẩm bao gói sẵn để có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và chuẩn quốc tế.

Trước mắt, cần ban hành các quy định cụ thể đối với từng loại hình dịch vụ kinh doanh ăn uống, chợ và siêu thị. Xây dựng quy trình ghi nhãn rộng rãi và chặt chẽ hơn và nên xây dựng các quy định và tiêu chuẩn về chất lượng của hàng thực phẩm xuất khẩu để hoàn thiện theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đọc thêm