Tại buổi gặp mặt mới đây giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại diện giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung của kỳ họp thứ 2 của Quốc hội tới đây sẽ xem xét và quyết định đến nhiều bộ luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Đáng chú ý, các quyết sách lớn về kinh tế - xã hội thời gian tới cũng sẽ bao gồm việc đánh giá tác động của COVID-19 đến việc làm của người lao động cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trong số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt do dịch bệnh Covid-19 như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nhiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: Chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ…
|
Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp cùng chính quyền các địa phương có giải pháp để tạo điều kiện kết nối, "đường thông hè thoáng", chống đứt gãy chuỗi cung ứng. |
Để giúp doanh nghiệp phục hồi trong thời gian tới, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng như giới doanh nhân đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị với lãnh đạo Nhà nước.
Theo ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Phú Thái: “Cần phải ban hành sớm các chính sách hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận thực tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của doanh nghiệp ở từng ngành nghề, lĩnh vực. Hiện nay, việc hỗ trợ pháp luật chưa đồng đều, vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương, vùng miền. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ ví dụ như luật doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Ngoài ra, việc hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp cũng rất cần sự giúp đỡ của cơ quan nhà nước, không chỉ trong việc giải đáp các nội dung pháp luật mà còn giải đáp các vấn đề phát sinh giữa các doanh nghiệp trong kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin. Đặc biệt là các thông tin liên quan đến pháp luật.
Góp ý về các giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng: “Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, và hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Các chính sách lãi suất là một liều thuốc vừa là kháng sinh nhưng cũng là thuốc bổ nhiều vitamin cho các doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất và mua sắm trở lại. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đưa ra các chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ đúng và đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.
Đề cập đến giải pháp kết nối, vận chuyển, cung ứng hàng hóa, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco kiến nghị: “Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài, và nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp có thể không tồn tại được. Chưa kể, chi phí logistic, cảng biển tăng rất cao khiến doanh nghiệp đã và đang ngày càng "nặng gánh". Do đó, tôi mong muốn Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng chính quyền các địa phương có giải pháp để tạo điều kiện kết nối, "đường thông hè thoáng", chống đứt gãy chuỗi cung ứng”.
Cho đến nay, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần đảm bảo vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạnh cho công nhân lao động. Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp cần phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện hiệu quả.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"