Nghịch lý doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã “ra đi”
Tham luận tại Hội thảo về “Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển”, PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, trên bình diện tổng quát, Việt Nam – cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử - thời đại, với sự thay đổi nền tảng phát triển từ không gian vật lý chuyển sang không gian “số”; từ thời đại “lao động chân tay – kinh nghiệm” sang thời đại “lao động trí tuệ – sáng tạo”.
Trong khi đó, cấu trúc phát triển chuyển từ thời đại kinh tế vật thể – thủ công chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao; tính chất – quy mô phát triển cũng chuyển từ giới hạn địa phương mở ra toàn cầu.
Quá trình thay đổi đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, mang tính hệ thống và rất căn bản, toàn diện, triệt để, tạo ra những cơ hội và thách thức khác thường, đặc biệt là cho những nước đi sau. Việc giải quyết hệ vấn đề phát triển đương đại đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới về nguyên tắc.
PGS. TS. Trần Đình Thiên chỉ ra rằng, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam lại ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.
Điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch covid và vượt qua nó theo một logic “nghiệt ngã” không hoàn toàn giống nhiều nước khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển nhìn chung là tích cực.
Tuy nhiên, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có hai vấn đề lớn đặt ra là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế; và vấn đề thứ 2 là nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế.
Dẫn chứng về nghịch lý phát triển doanh nghiệp, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.
“Lực lượng doanh nghiệp Việt, tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu, song có những đặc điểm phát triển khác thường. Một mặt, đó là những doanh nghiệp có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường. Nhưng thực tế lại cũng cho thấy một khía cạnh khác trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt. Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn””, PGS. TS. Trần Đình Thiên phân tích.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, từ góc nhìn này, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức”, sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại.
Dẫn thống kê chính thức, ông Trần Đình Thiên cho biết, hàng năm, số doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường” tương đương 70-75% số doanh nghiệp “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ”không nhiều. Một bộ phận lớn trong đó “chưa kịp lớn” đã “ra đi”.
Xu hướng này ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp. Nó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023.
Cũng trăn trở về những thách thức to lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dành thời gian phân tích cụ thể về 6 rào cản, khó khăn tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đó các vấn đề chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó là chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; Các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả và Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.
Bảo đảm các nguồn lực lưu thông thông suốt
Nhấn mạnh bảo đảm các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần xác lập một số điều kiện.
Đó là hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.
Đồng thời, bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống, bao gồm thông suốt hạ tầng; thông thoáng cơ chế; thông minh vận hành.
Trên cơ sở những định hướng chung này, ông Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể cần quan tâm thực hiện, đó là định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường “nhất nguyên”, củng cố cơ sở thực hiện đúng đường lối “nội lực-ngoại lực” của Đảng; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt theo hướng “khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường”, “không xin-cho”, không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực.
Bên cạnh đó, ông Trần Đình Thiên đề xuất thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt thị trường đất đai, các thị trường tài chính tiền tệ; đồng nhịp các giải pháp kinh tế, hành chính, pháp luật để không làm tổn thương kinh tế thị trường và hệ thống quản trị điều hành; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
|
Hình ảnh tại Diễn đàn. |
Trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới suy giảm, nhất là những thị trường Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, lượng hàng tồn kho ở các thị trường này rất cao, khiến đơn hàng bị suy giảm.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngoài chính sách vĩ mô, Bộ Công thương rất quan tâm đến các chính sách cụ thể, thiết thực.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt dựa trên những kiến nghị của các doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh kinh doanh nói chung, xuất khẩu nói riêng.
Nêu giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ, GS.TS Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến doanh nghiệp thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gõi hỗ trợ.
Theo GS.TS Tô Trung Thành, để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận hỗ trợ. Bản thân các doanh nghiệp này quy mô nhỏ, chuẩn mực kế toán không cao, ít tài sản đảm bảo. Mặt khác ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng.
Vì vậy, cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về ngành nghề, do dư địa chính sách đang bị thu hẹp dần, do đó, cần tập trung chính sách cho các ngành lĩnh vực có tính lan tỏa thì mới có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn” mà nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.
Để giúp doanh nghiệp vượt khó, đại diện Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất, về chính sách thuế, tài chính, hỗ trợ lãi vay cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.
Đồng thời, rà soát những quy định thiếu thực tế để dỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.