Giải quyết bồi thường chỉ còn 65 ngày?

(PLO) - Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành quy định quy trình giải quyết bồi thường phải mất 135 ngày. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi đang được Bộ Tư pháp xây dựng rút xuống chỉ còn 65 ngày. Số lượng cơ quan giải quyết bồi thường trên phạm vi toàn quốc sẽ giảm từ khoảng 25.000 xuống còn hơn 1.000 cơ quan.
Giải quyết bồi thường chỉ còn 65 ngày?

Chỉ còn hơn 1 ngàn cơ quan giải quyết bồi thường

Để bảo đảm việc giải quyết bồi thường khách quan, minh bạch thì cơ quan giải quyết bồi thường được quy định theo hướng Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan giải quyết bồ thường khi chính mình là cơ quan gây thiệt hại.

UBND cấp tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan giải quyết bồi thường đối với các vụ việc mà cơ quan gây thiệt hại là UBND, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện.

UBND cấp huyện là cơ quan giải quyết bồi thường đối với vụ việc mà cơ quan gây thiệt hại là UBND cấp xã. Dự thảo Luật quy định rõ các cơ quan giải quyết bồi thường trong lĩnh vực: quản lý hành chính; tố tụng hình sự; tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; thi hành án dân sự; thi hành án hình sự.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định cơ quan gây thiệt hại trực tiếp giải quyết bồi thường trong một số trường hợp thuộc hoạt động xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cơ quan công an cấp xã, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án, cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức giữ chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bằng hình thức buộc thôi việc và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra mà gây thiệt hại, nhằm giảm tải các vụ việc phải chuyển cho cơ quan cấp trên giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục bồi thường nhà nước lắng nghe các ý kiến trong cuộc họp
Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục bồi thường nhà nước lắng nghe các ý kiến trong cuộc họp

Bộ Tư pháp cho rằng, theo phương án thu gọn này, thì ước tính số lượng cơ quan giải quyết bồi thường trên phạm vi toàn quốc sẽ giảm từ khoảng 25.000 xuống chỉ còn khoảng hơn 1.000 cơ quan.

Về cơ bản, dự thảo luật quy định trong lĩnh vực quản lý hành chính thì UBND cấp xã không còn là cơ quan giải quyết bồi thường; trong lĩnh vực tố tụng, thi hành án dân sự thì cơ quan cấp huyện không còn là cơ quan giải quyết bồi thường. Quy định như vậy góp phần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường vì không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của cơ quan Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. 

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế đồng thuận với việc thu gọn đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường, tuy nhiên ông Hải cho rằng, cần đánh giá những chi phí phát sinh mà người dân phải gánh chịu khi thay vì đến cấp xã giải quyết bồi thường nay lại phải lên huyện. Đồng thời, cần có đánh giá tác động về việc nhà nước phải bỏ tiền ngân sách khi thu gọn đầu mối.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giao cơ quan nào gây thiệt hại, cơ quan đó phải bồi thường như hiện nay là không hợp lý, không khách quan. Vì thế thu gọn đầu mối là cần thiết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị mô hình cơ quan giải quyết bồi thường cần được nghiên cứu, quy định theo hướng tập trung vào một đầu mối là Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ đại diện cho Nhà nước giải quyết bồi thường. 


Ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục bồi thường nhà nước phân trần: trong điều kiện hiện nay, việc giao cho một cơ quan làm đầu mối giải quyết bồi thường là không khả thi vì sẽ làm phát sinh tổ chức, bộ máy, biên chế và làm tăng chi phí cho hoạt động giải quyết bồi thường. Hơn nữa, việc giao cho Bộ Tư pháp vừa có chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường, vừa thực hiện giải quyết bồi thường sẽ không khách quan.

Rõ thiệt hại: được bồi thường ngay

Một thay đổi đáng kể trong trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường là rút ngắn thời gian giải quyết từ 135 ngày như Luật hiện hành xuống còn 65 ngày.

Dự thảo cũng quy định cải cách mạnh mẽ trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết bồi thường, quy định một số trường hợp mức thiệt hại có thể xác định được ngay thì ra quyết định giải quyết bồi thường ngay đối với các thiệt hại đó. Trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường tại Tòa án, dự thảo luật quy định theo hướng áp dụng theo thủ tục rút gọn được quy định tại BLTTDS.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam.

Bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng dự thảo quy định chưa hợp lý bởi lẽ,  hồ sơ bồi thường mà người bị thiệt hại gửi đến cơ quan chức năng phải có đủ giấy tờ chứng minh thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường không thể làm thay do đó, quy định không bắt buộc (nếu có) là không phù hợp.

Bà Nam cũng cho rằng trong thương lượng phải rõ nguyên tắc để làm cơ sở cho người giải quyết bồi thường áp dụng nếu không sẽ bị lạm dụng.

Còn theo đại diện Vụ Pháp luật Hình sự hành chính, đây không đơn thuần là Luật thủ tục mà hướng tới nội dung bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp. Do đó, khi nào người dân được bồi thường, được bồi thường trong lĩnh vực nào; khi nào bị hạn chế quyền bồi thường, thiệt hại được tính ra sao...phải được làm rõ. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo luật phải làm rõ hơn quá trình xác minh thiệt hại để đảm bảo tính khả thi.

Đọc thêm