Chi phí thuê luật sư cũng được tính bồi thường?

(PLO) - Thiệt hại được bồi thường là một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm đối với các trường hợp bị oan sai. Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành lại chưa dự liệu hết các khoản thiệt hại được bồi thường có khả năng phát sinh trên thực tế mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. 
Chi phí thuê luật sư trong suốt hành trình đi tìm công lý của người bị oan sẽ được bồi thường.
Chi phí thuê luật sư trong suốt hành trình đi tìm công lý của người bị oan sẽ được bồi thường.

Chính vì những bất cập nêu trên nên trong nhiều trường hợp, thiệt hại đã xảy ra nhưng người bị thiệt hại vẫn không được bồi thường do không có quy định. Thực tế này cũng dẫn đến tình trạng khó tìm tiếng nói chung giữa cơ quan nhà nước với người bị thiệt hại, nên nhiều vụ việc kéo dài rất lâu, gây mệt mỏi, tốn kém cho các bên.

Theo kết quả khảo sát về việc mở rộng phạm vi các loại thiệt hại được bồi thường, phần lớn ý kiến của các đối tượng được khảo sát cho rằng các thiệt hại được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) là chưa phù hợp so với thực tế và chưa bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, nên mở rộng phạm vi các loại thiệt hại chiếm (51.2% cá nhân, tổ chức và 82% công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước). Như vậy, việc mở rộng phạm vi các loại thiệt hại được bồi thường theo quan điểm của cả cán bộ, công chức cơ quan nhà nước cũng như cá nhân, tổ chức là hết sức cần thiết. 

Dự thảo Luật TNBTCNN (sửa đổi) quy định về thiệt hại được bồi thường do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe, thiệt hại về chi phí để có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, khôi phục danh dự, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại, trả lại tài sản. Đáng chú ý, thiệt hại về chi phí để có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường gồm chi phí đi lại, tiền lưu trú, tiền in ấn tài liệu, gửi đơn thư, thù lao luật sư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng… cũng sẽ được bồi thường.

Với việc bổ sung những quy định nói trên, nhiều ý kiến cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc chứng minh thiệt hại cũng như được hưởng các khoản bồi thường hợp lý đối với các thiệt hại phát sinh. Như vậy, đối với người bị thiệt hại việc hoàn thiện và bổ sung các quy định của pháp luật mang ý nghĩa hoàn toàn tích cực. Còn Nhà nước cũng giải quyết việc bồi thường nhanh chóng, chính xác hơn.

Tuy nhiên, với việc mở rộng phạm vi thiệt hại được bồi thường nhiều ý kiến e ngại sẽ khó khả thi trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp. Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho rằng, quan trọng trong việc tính thiệt hại bồi thường chính là việc yêu cầu người dân phải xuất trình các chứng cứ chứng minh thiệt hại “Cái cuống vé xe cách đây mấy chục năm có bị can nào nghĩ mình phải giữ lại làm chứng từ bồi thường sau này vì có ngày bị oan sai. Rồi chi phí ăn ở, đi lại…đưa vào để tính là phức tạp lắm”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng không đồng tình: “Không nên đưa chi phí thuê luật sư đưa vào thiệt hại được bồi thường vì như vậy kinh phí sẽ đội lên rất lớn”.

Một ý kiến khác từ Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu quy định chung chung là thù lao luật sư thì rất khó vì các loại chi phí này rất… vô cùng, rồi còn phụ thuộc vào uy tín, thương hiệu của luật sư mà chi phí nhiều hay ít.

Chung quan điểm, nhiều ý kiến phản biện, việc quy định quá chi tiết các khoản được bồi thường sẽ dẫn đến không đầy đủ, không dự liệu hết các phát sinh từ thực tiễn. Hơn nữa, các quy định bồi thường tổn thất về tinh thần được quy định cao gấp 6 lần so với luật hiện hành là thiếu cơ sở, khó khả thi.

Đọc thêm