Tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại

(PLO) - Mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, trách nhiệm hoàn trả, thiệt hại được bồi thường... là những vấn đề được tập trung thảo luận tại phiên họp Ban soạn thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) ngày 20/5. Phiên họp do Bộ trưởng Lê Thành Long, Trưởng ban soạn thảo chủ trì. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng dự.
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì phiên họp.
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì phiên họp.

Thu gọn đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường

Có một thực tế được chỉ ra sau thời gian thi hành là do Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ nên có rất nhiều cơ quan giải quyết bồi thường (từ cấp xã đến cấp Trung ương) dẫn tới việc giải quyết bồi thường không  thống nhất; còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khó khăn cho người dân.

Dự thảo Luật đã bổ sung một chương mới quy định về cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng thu gọn đầu mối. Theo đó, giao UBND cấp huyện là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là Ủy viên UBND cấp xã hoặc là cán bộ, công chức cấp xã; UBND cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, TAND cấp tỉnh, VKSND cấp tỉnh là cơ quan giải quyết bồi thường đối với những vụ việc thuộc phạm vi quản lý của mình; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC là cơ quan giải quyết bồi thường đối với những vụ việc thuộc phạm vi do mình quản lý.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết thêm: Một số ý kiến cho rằng, cần giao cho một cơ quan duy nhất ở Trung ương đại diện Nhà nước thống nhất giải quyết bồi thường và quản lý nhà nước về công tác bồi thường (là Bộ Tư pháp) để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác này. Theo đó, Cơ quan bồi thường nhà nước sẽ đại diện Nhà nước giải quyết bồi thường.

Hầu hết các ý kiến trong Ban soạn thảo đều cho rằng việc thu gọn đầu mối là cần thiết. Ông Chu Thành Quang, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TANDTC chỉ rõ: việc giao cơ quan nào gây thiệt hại, cơ quan đó phải bồi thường như hiện nay là không hợp lý, không khách quan. Tuy nhiên, trước đề xuất thay đổi theo mô hình tập trung tương đối như dự thảo, ông Quang đặt câu hỏi tại sao không chuyển hẳn sang mô hình tập trung tuyệt đối. “Thay vì khắp nơi có bộ máy bồi thường thì ta nên gom lại một cơ quan làm. Nếu cần người thì ta thêm biên chế”, ông Quang đề xuất.

Dẫn chứng những phức tạp trong vụ tính toán xem xét bồi thường đối với vụ án ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể thống nhất quan điểm nên có một đầu mối tập trung, chuyên nghiệp tại Bộ Tư pháp làm công tác giải quyết bồi thường với những nguyên tắc cụ thể. Ông Thể cũng đặc biệt lưu ý, việc đền bù với trường hợp oan thì rõ, nhưng sai phải tính. Sai đến mức như thế nào mới phải bồi thường nếu không sẽ rơi vào cảnh “trùng trùng điệp điệp” không thể làm xuể.

Trách nhiệm hoàn trả: Không thể không có

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành về trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật còn chưa rõ ràng. Đồng thời, Luật cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của người ra quyết định hoàn trả, xử lý kỷ luật dẫn đến việc xem xét trách nhiệm hoàn trả, xem xét kỷ luật đối với người thi hành công vụ chưa được thực hiện thống nhất. Bên cạnh đó, quy định mức hoàn trả của công chức có hành vi trái pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe, nhằm nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, hạn chế làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Dự thảo quy định theo hướng tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại:

Xây dựng dự thảo lần này, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN cho rằng, với mức lương của công chức thấp như hiện nay việc hoàn trả là rất khó. Đó là chưa kể nhiều vụ không chỉ một mình công chức gây thiệt hại mà còn do nhiều người khác. Do đó, nên kết hợp cả biện pháp xem xét trách nhiệm hành chính (kỷ luật, buộc thôi việc...) và mức hoàn trả về vật chất thì chỉ nên ở mức “vừa phải”. Chung nhận định, Phó Viện trưởng Lê Hữu Thể nói thêm: “Bồi thường như vụ ông Huỳnh Văn Nén thì không chỉ một người mà có khi cả họ cũng không hoàn trả nổi”. Tuy nhiên, không hoàn trả đồng nào cũng không được”, do vậy phải tính toán ở mức hợp lý để đảm bảo tính khả thi.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhất trí với đề xuất mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng yêu cầu phải rà soát thật kỹ để đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đảm bảo tính khả thi. Riêng về cơ quan giải quyết bồi thường, Bộ trưởng khẳng định, thu vào hết một cơ quan là không khả thi, bất hợp lý, không đúng nguyên tắc hành chính và làm tăng chi phí. Do vậy, có thể theo mô hình lưỡng tính nhưng theo mô hình nào cũng phải lý giải rõ. Bộ trưởng cũng lưu ý phải quy định đơn giản thủ tục bồi thường theo hướng nhanh, gọn, nếu kiện ra tòa thì phải áp dụng biện pháp tố tụng rút gọn để tránh kéo dài mệt mỏi cho người dân.

Đọc thêm