Giải quyết nạn đạo nhái trong làng nhạc pop thế giới bằng trí tuệ nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các cáo buộc về đạo nhạc chắc chắn không mới nhưng trước đây các tranh chấp thường được giải quyết sau hậu trường. Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong thời đại của truyền thông mạng xã hội và nền tảng phát sóng trực tuyến. Những năm gần đây chứng kiến ngày càng nhiều cáo buộc đạo nhạc và vụ kiện tụng liên quan đến tranh chấp bản quyền bài hát.

Mới đây nhất là bản hit năm 2020 của nữ ca nhạc sĩ người Anh Dua Lipa - "Levitating”. Hai nhạc sĩ L.Russell Brown và Sandy Linzer hiện đang cáo buộc cô đạo nhạc hai bài hát của họ, "Wiggle and Giggle All Night” và "Don Diablo”. Họ nói rằng giai điệu mở đầu bài hát đạo giai điệu trong sáng tác của họ.

Phần này của bài hát đặc biệt quan trọng vì nó đã được xuất hiện trong rất nhiều video chia sẻ trên nền tảng TikTok, theo đơn khiếu nại của L.Russell Brown và Sandy Linzer. DaBaby, nghệ sĩ hợp tác cùng Dua Lipa trong ”Levitating" và Warner Music Group cũng có tên trong đơn kiện.

Bên cạnh đó, Ban nhạc reggae của Mỹ - Artikal Sound System cũng đã đệ đơn kiện Dua Lipa, DaBaby và Warner Music Group với những người khác liên quan đến việc tạo ra bản hit nêu trên. Họ cáo buộc cô ấy sao chép ca khúc năm 2017 của ban nhạc "Live Your Life” trong bài ”Levitating”. Theo Artikal Sound System, hai bài hát giống nhau đến mức “rất khó có khả năng Levitating được tạo ra một cách độc lập”.

Hai cái tên đình đám vướng vào nạn đạo nhái hiện nay

Hai cái tên đình đám vướng vào nạn đạo nhái hiện nay

Bên cạnh vụ tranh chấp bản quyền đình đám này, vụ kiện khác cũng nổi tiếng không kém là vụ tranh chấp giữa Ed Sheeran với hai nhạc sĩ Sami Switch và Ross O’Donoghue về bản quyền ca khúc ”Shape of You”. Nam nhạc sĩ người Anh cũng bị kiện đạo trong bài hát “Photograph” và "Thinking Out Loud".

Trước đó, một loạt các nghệ sĩ nổi tiếng đã bị kiện vì đạo nhạc như Katy Perry, Led Zeppelin, Robin Thicke, Pharrell Williams…

Theo tờ Billboard nhận định, trong thời đại mà hàng ngàn bài hát mới được phát hành mỗi năm, có rất nhiều điểm tương đồng giữa các bài hát. Ngày càng nhiều các vụ tranh chấp bản quyền ca khúc vì cáo buộc đạo nhái.

Đối mặt với quy mô của hiện tượng này, những gã khổng lồ của ngành công nghiệp âm nhạc đang chuyển sang sử dụng trí thông minh nhân tạo để giúp phát hiện các tác phẩm đạo nhái và góp phần giải quyết câu hỏi ”tác phẩm này có mượn ý tưởng của tác phẩm khác hay không?”.

Trong những tháng gần đây, Spotify đã nghiên cứu một thuật toán có thể cho phép các nhạc sĩ tìm hiểu xem các sáng tác mới nhất của họ có điểm tương đồng về hoà âm với các bài hát hiện có khác hay không, bằng cách phân tích kỹ lưỡng nhịp điệu và giai điệu của các bài hát trên nền tảng này.

Bên cạnh đó, thuật toán sẽ cảnh báo người viết bài hát nếu ca khúc của họ có nguy cơ bị kiện vì đạo nhạc.

Nhưng liệu trí tuệ nhân tạo hay một chương trình/phần mềm phát hiện đạo nhạc có đủ để ngăn chặn vấn nạn đạo nhái trong làng nhạc pop thế giới hay không?

Câu hỏi này vẫn chưa thể có câu trả lời thoả đáng.

Đọc thêm