Giải quyết tranh chấp trong đấu thầu, “điểm đến” là tòa dân sự

Đấu thầu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu sử dụng nguồn vốn Nhà nước (chi tiêu công) và giúp chủ đầu tư, bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm. Nhưng chính sự “hiện diện” của yếu tố “nguồn vốn nhà nước” đã khiến việc giải quyết những tranh chấp trong đấu thầu rơi vào trạng thái “theo dân sự cũng dở, mà ở hành chính chả xong”...

Đấu thầu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu sử dụng nguồn vốn Nhà nước (chi tiêu công) và giúp chủ đầu tư, bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm. Nhưng chính sự “hiện diện” của yếu tố “nguồn vốn nhà nước” đã khiến việc giải quyết những tranh chấp trong đấu thầu rơi vào trạng thái “theo dân sự cũng dở, mà ở hành chính chả xong”...

 

Mỗi người “áp” một kiểu

Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, qua 5 năm (2007-2011) thực hiện Luật Đấu thầu, Luật số 38/20/QH12, nguồn vốn của Nhà nước đã tiết kiệm được tổng cộng 84,873 nghìn tỷ đồng và giá trị tiết kiệm đều tăng qua các năm. Song cùng với đó còn là không ít những vụ tranh chấp, chủ yếu liên quan đến việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có công khai minh bạch, có đúng pháp luật, có liên quan đến tham nhũng hay không, tố cáo gian lận của chủ đầu tư và chủ nhận thầu…

Vì trong quan hệ đấu thầu, một bên thường là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước, có liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn nhà nước nên không ít chuyên gia pháp lý cho rằng, giải quyết các tranh chấp trong đấu thầu chỉ có thể theo thủ tục tố tụng hành chính. Hiện có tình trạng “bất nhất” khi xử lý tranh chấp trong đấu thầu liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và chủ thể không phải doanh nghiệp nhà nước nhưng sử dụng vốn nhà nước.

Đã có trường hợp một công ty cổ phần được vay vay vốn đầu tư phát triển của Nhà nước là đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu song khi có tranh chấp lại được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, trong khi nếu là doanh nghiệp nhà nước thì đương nhiên bị xử lý theo thủ tục tố tụng hành chính. Vậy là cùng “sử dụng vốn Nhà nước” để kinh doanh nhưng khi có tranh chấp trong đấu thầu, các chủ thể trên lại phải theo hai thủ tục tố tụng hoàn toàn khác nhau cả về bản chất.

Không có yếu tố quyền lực giữa các chủ thể

Với quan điểm, đấu thầu là quan hệ pháp luật tư (pháp luật dân sự) giữa bên chào mời đấu thầu và bên nhận thầu cho dù chủ thể là cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT đều cho rằng, giải quyết các vụ kiện trong đấu thầu nên được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự. Nhưng theo quan điểm của TANDTC, bản chất của vụ kiện trong đấu thầu là vụ án hành chính nếu 1 bên là cơ quan hành nhà nước, bao gồm cả cơ quan TƯ.

Còn tranh chấp trong đấu thầu sẽ là vụ án dân sự khi 1 bên là đại diện của tổ chức xã hội. Chính tình trạng còn “chia rẽ” trong nhận định về bản chất của quan hệ đấu thầu như vậy khiến việc “cho ra lò” một cơ chế giải quyết tranh chấp trong đấu thầu vẫn… đang phải tranh luận dù thực tiễn tranh chấp đang từng ngày vẫn diễn ra tấp nập.

Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), do tính chất nguồn vốn và chủ thể nên quan hệ đấu thầu không hẳn là quan hệ hành chính, nhưng cũng không hẳn là quan hệ dân sự. Nếu xác định quan hệ này đơn thuần là hành chính thì không chính xác bởi pháp luật hành chính hiện hành chỉ qui định đối tượng là các quyết định và hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền.

Vì thế, hợp lý hơn nếu coi quan hệ đấu thầu là quan hệ dân sự. Song điều đáng lo ngại là, nếu là quan hệ dân sự thì giải quyết tranh chấp theo tố tụng dân sự thì rất phức tạp, nhất là liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời…

Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia phải có cơ quan tài phán độc lập để giải quyết tranh chấp trong đấu thầu, nhất là khi một bên chủ thể là Nhà nước (tham gia như một chủ đầu tư). Nếu các bên tranh chấp không chấp nhận phán quyết của cơ quan này thì mới đưa vụ kiện ra Tòa án.

Hiện ở Việt Nam, cơ quan duy nhất giải quyết tranh chấp trong đấu thầu là Tòa án bởi cơ quan trọng tài chỉ giải quyết những tranh chấp liên quan đến thương mại. Còn tranh chấp trong đầu thầu lại chủ yếu tranh chấp trong giai đoạn trước khi trúng thầu như kiện nhà đầu tư trong việc mời thầu, chọn nhà thầu…

Do đó, theo các chuyên gia pháp lý, qui định cơ chế trọng tài để giải quyết các tranh chấp trong đấu thầu sẽ không phù hợp với bản chất và “làm khó” cho hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam vì không biết giải quyết tranh chấp đấu thầu theo hướng nào cho phù hợp. Như vậy sẽ gây lãng phí cho cả các bên tranh chấp và cơ quan trọng tài vì rút cuộc, các vụ kiện cũng sẽ lại đến tòa án.

Từ nhận định, trong điều kiện pháp luật trong nước chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, nhất quán và bản chất của quan hệ đầu thầu là quan hệ dân sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực này phải được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án mới phù hợp với quan điểm lập pháp của nước ta, cho dù một bên có thể là nhà nước (cơ quan nhà nước).

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong đầu thầu sẽ được xem xét khi Ban soạn thảo dự án Luật Đầu thầu hoàn thiện dự thảo này để trình Quốc hội.

Huy Anh

Đọc thêm