Giải quyết tranh chấp trong hoạt động xây dựng: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

(PLVN) -  Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, có nhiều “lỗ hổng” khiến cho việc giải quyết tình trạng nợ vòng quanh trong hoạt động xây dựng gặp khó khăn.
Ảnh minh họa

Tranh chấp thường phức tạp, kéo dài

Tại Hội thảo “Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho nhà thầu xây dựng Việt Nam” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC mong muốn cần có giải pháp để các nhà thầu xây dựng không xảy ra các rủi ro, không phải xử lý trọng tài hay tòa án. Đại diện cho các nhà thầu xây dựng đã nêu lên một thực tế là tình trạng nợ vòng quanh, từ chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu nợ nhà cung cấp…

Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam (2T Corporation), chưa có thống kê chính thức tình trạng nợ đọng xây dựng (giá trị tuyệt đối hoặc tỷ lệ) là bao nhiêu, nhưng thực tế là hầu hết các nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu.

“Hiện nay nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí giải thể, phá sản. Nhiều dự án đã bán hết sản phẩm (căn hộ, sàn văn phòng,… được hình thành từ tài sản của nhà thầu), chủ đầu tư đã thu đủ tiền, thậm chí lãi lớn, lấy tiền đi đầu tư dự án khác, nhưng vẫn không trả tiền cho các nhà thầu…” - ông Minh phản ánh.

Thế nhưng thực tế theo các DN, số lượng vụ án được thụ lý tại Tòa án hoặc giải quyết qua trung tâm trọng tài kinh tế rất ít. Nguyên nhân là do việc giải quyết vụ án kéo dài (trung bình từ 3 - 5 năm, thường phải qua ít nhất là hai cấp xét xử). Cùng với đó, việc thi hành án rất khó khăn, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản rất thấp (dưới 30% theo bản án có hiệu lực). “Hậu quả là các nhà thầu không dám mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thiết bị, sa thải người lao động, thu hẹp phạm vi cung cấp, thậm chí không nhận phần cung cấp thiết bị, vật liệu mà chỉ cung cấp nhân công, làm nhà thầu phụ cho thầu chính hoặc các công ty nước ngoài…” - Chủ tịch HĐQT 2T Corporation phát biểu.

Với quá trình công tác hơn 20 năm, ông Khương Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc Phòng) cho rằng, đặc điểm các loại tranh chấp trong hoạt động xây dựng thường phức tạp, kéo dài không lường hết được, tùy vào thực tế diễn biến của sự vụ phát sinh và nhiều khi nguyên do là do ý đồ không sòng phẳng của chủ đầu tư. “Nhiều nhà thầu xảy ra các mâu thuẫn, phát sinh tranh chấp với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành nhưng chủ yếu liên quan đến công tác thanh toán, dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài…” - ông Thắng nói.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc, TCty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), nguyên nhân tranh chấp đến từ chủ đầu tư và nhà thầu, với các loại tranh chấp phổ biến như: Tranh chấp liên quan đến thiết kế; Các yêu cầu bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng bị chậm trễ, không bảo đảm chất lượng; Bồi thường trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng; Yêu cầu liên quan đến bảo hiểm công trình; yêu cầu liên quan đến bảo hành công trình; Chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng…

Bất cập từ hợp đồng xây dựng

“Hành lang pháp lý của các nhà thầu xây dựng hiện nay đang rất mỏng manh và đang có nhiều chỗ hổng…” - ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC thẳng thắn. Vấn đề pháp lý nổi cộm nhất được chỉ ra là Hợp đồng xây dựng (HĐXD). Bản chất HĐXD là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm nhiều tài liệu hợp đồng với nội dung chủ yếu: Các yêu cầu của chủ đầu tư (Phạm vi công việc, bản vẽ, chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu về biện pháp quản lý..); Đề xuất của nhà thầu về biện pháp tổ chức thi công, tiến độ thi công, giải pháp quản lý điều hành, đề xuất giá tương ứng với danh mục khối lượng công việc; Các tài liệu khác: Văn bản cơ sở pháp lý ký kết hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành, bảo hiểm…

Ông Khương Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn cho rằng, HĐXD với nhiều tài liệu bao hàm lượng lớn thông tin với những điều khoản có thể “đá” nhau, thời gian thực hiện kéo dài với hoạt động thi công chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên những nguy cơ rủi ro phát sinh và tranh chấp trong HĐXD là khó tránh khỏi.

Theo TS. Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VACC, pháp lý về HĐXD đang được xây dựng dựa trên các quy định chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành như Luật Thương mại và Luật Xây dựng… Liên quan đến HĐXD có Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng đang điều tiết trùng lắp hầu hết các nội dung pháp luật về HĐXD…

Tại Hội thảo, các DN đề xuất xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà thầu, ngăn chặn sự thiếu hợp tác/cố ý gây khó khăn, chiếm dụng vốn của nhà thầu xây dựng, kiến nghị cơ quan nhà nước bổ sung điều khoản bảo đảm sự tuân thủ hợp đồng của các chủ đầu tư trước khi cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu hợp đồng: bổ sung trách nhiệm thanh toán, bảo lãnh thanh toán ngang bằng giữa nhà thầu - chủ đầu tư. ..

“Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản vốn là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn trong công tác đầu tư phát triển của đất nước. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động này không những góp phần tạo môi trường bình đẳng và công bằng hơn cho các nhà thầu, mà còn làm tăng tính hiệu quả của các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản…” - Đại diện VACC nhấn mạnh.

Đọc thêm