Giải quyết tranh chấp về quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án: Cần cơ chế xét xử để tránh “được vạ thì má sưng”

(PLVN) - Khi theo kiện để bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng (NTD) thường bị tâm lý “được vạ thì má đã sưng” nên đành chịu thiệt. Vấn đề đặt ra là có nên nghiên cứu thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền lợi NTD phù hợp ở Toà án để bảo vệ hữu hiệu quyền lợi NTD?
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự để tăng hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự để tăng hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Khó xác định căn cứ bồi thường thiệt hại

Theo quy định pháp luật, việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng mà gây thiệt hại là vi phạm đến quyền lợi NTD thì người sản xuất, kinh doanh hàng hóa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa mình đã bán. Song, theo TS. Nguyễn Hải An (Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại, TANDTC), để có căn cứ bồi thường thiệt hại (BTTH) thì việc xác định hàng hóa không đảm bảo chất lượng và xác định có thiệt hại xảy ra do hàng hóa không đảm bảo chất lượng là không dễ dàng. 

TS. An nêu ví dụ, ngày 20/10/2016, vợ chồng bà T mua 2.000kg phân bón NPK 18-12-8 của Đại lý phân bón G với giá 24 triệu đồng. Sau khi mua phân về, ông bà bón phân cho cây cà phê, tiêu, cây ăn quả trong vườn, sau khi bón phân được 10 ngày thì phát hiện cây bị vàng lá và chết hàng loạt.

Vợ chồng bà T cho rằng cây chết là do phân bón. Gia đình bà T đã báo sự việc cho chủ Đại lý G, sau đó ông G cùng với đại diện Công ty phân bón Q mang 2.000kg vôi đến yêu cầu cho vào gốc cây và tưới nước liên tục, công ty có lập biên bản cam kết bồi thường cho gia đình bà T số cây cà phê bị thiệt hại không thể phục hồi, thời gian bồi thường là hết ngày 31/12/2016. Đến hết tháng 12/2016 số cây chết là 200.

Ông bà đã làm đơn yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện K làm rõ xử lý vụ việc nhưng ngày 18/12/2017 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện K đã thông báo không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, bà T làm đơn khởi kiện yêu cầu Công ty Q phải bồi thường số cây cà phê bị chết, tiền mất thu nhập, thiệt hại của 3.800 cây do bón vôi, tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 190 triệu đồng. 

Tòa án nhận định: Việc gia đình bà T cho rằng cây cà phê chết là do phân bón giả nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh (mẫu phân bón) nên theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật Dân sự thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường. Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị T, ông Phạm Đình V.

Trong trường hợp này, việc gia đình bà T mua phân bón NPK từ Đại lý G là có thật, việc cây chết là có thật, việc Đại lý G và gia đình lập biên bản làm việc, cam kết thời hạn bồi thường là hết ngày 31/12/2016 thể hiện đại lý thừa nhận có thiệt hại xảy ra và đồng ý chịu trách nhiệm bồi thường, nhưng mẫu phân bón để có chứng cứ xác thực xác định lỗi lại không còn.

Cần chế định đủ mạnh 

Theo Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải BTTH cho NTD trong quá trình kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo trách nhiệm với NTD gây thiệt hại cho NTD hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm BTTH trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật (Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010).

Tuy nhiên, theo ThS. Tống Đức Duy  và ThS. Trần Thị Phương Liên (Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội), hiện nay, số lượng vụ việc BTTH cho NTD ở Việt Nam không ít, nhưng giá trị đền bù thiệt hại cho NTD thường không cao. Phòng bảo vệ quyền lợi NTD - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam đã tư vấn, hoặc là bên thứ 3 hòa giải, thương lượng khá nhiều vụ việc BTTH cho NTD và nếu như khoản BTTH không lớn thì thương nhân sẵn sàng chi trả nghĩa vụ bồi thường.

Ví dụ, NTD là bà V.B.A (TP.HCM) khiếu nại ứng dụng đặt phòng Airbnb với nội dung: Tháng 3/2016, bà A đặt phòng khách sạn tại Dubai qua trang web Airbnb.com, nhưng trước giờ bay 01 tiếng, NTD nhận được email của Airbnb về việc không liên lạc được với chủ khách sạn. Airbnb đồng ý bồi thường 150% số tiền đặt phòng (hơn 4000$) nếu NTD chứng minh có khiếu nại lên cơ quan chức năng tại Việt Nam. Sau khi liên hệ tới Cục và được tư vấn, NTD đã được Airbnb hoàn lại toàn bộ số tiền như đã được cam kết. Tuy nhiên, đối với những vụ mà giá trị bồi thường cao thì việc đòi BTTH khó khăn hơn nhiều. 

Có một nguyên nhân mà các chuyên gia cho rằng đã khiến việc giải quyết BTTH cho NTD “mất thiêng” là chưa có vụ việc nào ở Việt Nam về BTTH cho NTD có giá trị lớn, tạo ra niềm tin rằng NTD ở Việt Nam cần theo kiện đến cùng và được BTTH một cách thỏa đáng trong những trường hợp thương nhân biết rõ mình có lỗi với NTD nhưng vẫn trì hoãn hoặc từ chối trách nhiệm BTTH. Điều đó cho thấy pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam đang thiếu chế định về tiền BTTH có tính trừng phạt.

Trong hệ thống pháp luật về NTD của nhiều nước, chế định về tiền BTTH có tính trừng phạt sẽ yêu cầu thương nhân phải BTTH hơn nhiều lần với giá trị ước tính, đủ mạnh và nghiêm khắc để ngăn chặn cá nhân, tổ chức kinh doanh sẽ vi phạm hành vi tương tự trong tương lai, khi cơ quan tài phán nhận thấy hành vi của thương nhân từ chối các trách nhiệm với NTD, gây hại cho nhiều NTD, hoặc tạo ra tiền lệ xấu...

Vì thế, các chuyên gia pháp luật cho rằng, pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD Việt Nam nên bổ sung chế định về tiền BTTH có tính trừng phạt để đảm bảo thương nhân phải có trách nhiệm cao hơn trong việc đền bù thiệt hại cho NTD.

Nên bổ sung quy định khởi kiện tập thể 

Hiện trong các chế định về bảo vệ quyền lợi NTD thì chưa có chế định về khởi kiện tập thể. Chế định này cho phép một người có thể đại diện cho nhiều người khởi kiện một vụ việc về NTD, trừ khi có đơn của một người hoặc một số người trong vụ kiện tập thể đó từ chối không muốn tham gia. Khi vụ khởi kiện tập thể thành công, giá trị đền bù thiệt hại cho NTD sẽ cho nhiều người và giá trị của đền bù thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần để đảm bảo tất cả những người có quyền lợi tương tự được đảm bảo đền bù. 

Ví dụ, một người hút thuốc lá bị ung thư phổi có thể đại diện cho nhóm người hút thuốc lá bị ung thư phổi khởi kiện một công ty sản xuất thuốc lá (nếu công ty đó không có cảnh báo với NTD). 

“Pháp luật về BTTH do vi phạm quyền lợi của NTD Việt Nam nên bổ sung chế định về khởi kiện tập thể (Class-action) vì có những vụ việc liên quan đến nhiều NTD, một nhóm người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó và rõ ràng chế định này hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm BTTH do vi phạm pháp luật về NTD” - ThS. Tống Đức Duy và ThS. Trần Thị Phương Liên (Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ trong một hội thảo chuyên đề mới đây.

Một lí do nữa là Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có thủ tục rút gọn, tuy nhiên thủ tục này chưa được đi vào thực tế xét xử. Điều đó dẫn tới câu chuyện nếu theo kiện bảo vệ quyền lợi, NTD thường mất thời gian, cộng với tâm lý “được vạ thì má đã sưng” dẫn tới nhiều vụ việc NTD đành nhắm mắt chịu thiệt. 

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, nếu ghi nhận các trường hợp ngoại lệ này trong Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc có quy định rõ ràng về thủ tục rút gọn này khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự, đặt ra một cơ chế nhanh trong giải quyết các vụ việc về bảo vệ quyền lợi NTD thì sẽ khuyến khích được NTD bỏ qua suy nghĩ “được vạ thì má đã sưng”, sợ đi kiện, sợ mất thời gian sử dụng cơ quan toà án để bảo vệ mình, đồng thời để các thương nhân phải chịu hậu quả đích đáng khi đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.

Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ NTD năm 2010: “NTD là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Điều 14 Luật Thương mại năm 2005 quy định về nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của NTD: “1. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho NTD về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó. 2. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh”. 

Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho NTD thì phải bồi thường”.

Đọc thêm