Giải tỏa ách tắc trong tiêu thụ, xuất khẩu để tăng giá lúa

(PLVN) -  Tân Cảng Sài Gòn ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021, Cảng Cái Lái ùn tắc tàu hàng không vào được, các tàu hàng quay về Cảng Cần Thơ và Cảng Vĩnh Thới cũng gặp cảnh ùn ứ…
Việc tổ chức thu mua, vận chuyển lúa thời gian qua tại Đồng bằng sông Cửu Long hết sức khó khăn. (Ảnh: TL)

Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), không nhất thiết phải mua gạo trữ quốc gia, mà chỉ cần gỡ khâu lưu thông để bán, xuất được gạo thì doanh nghiệp (DN) sẽ tự tăng cường mua gạo trở lại để đẩy giá lúa lên.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Bộ NN&PTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL cuối tuần qua, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản lượng thu mua lúa hè thu sụt giảm 20-30% trong khi nhiều DN không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều nhà máy sấy lúa, nhà máy xay, ghe… không hoạt động được do yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 nhiều thương lái lo đi vào vùng dịch về phải cách ly.

“Hiện tại giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng”- Đại diện Cục Trồng trọt khẳng định.

Có một thực tế được lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương xác nhận là khách hàng quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các DN không giao hàng được. “Tín hiệu tốt là thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, một số địa phương đã làm chặt quá khiến thương lái không thu mua được, ảnh hưởng đến giá lúa. “Do vậy các địa phương phải có phương án tạo điều kiện lưu thông an toàn, không thể đóng tất cả được” - Thứ trưởng đề nghị,

Trong khi đó, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, giữa các địa phương cần thống nhất việc kiểm soát phương tiện đi mua lúa, tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua. “Hiện, cảng Cát Lái bị phong tỏa, nhiều tàu phải nằm chờ ở bên ngoài đợi vào lấy gạo, phải có phương án cho tàu vào lấy gạo thì DN mới tháo gỡ được gạo trong kho, sau đó mới đi mua tiếp cho nông dân” - ông Thư đề nghị.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh An Giang, Tân Cảng là cảng container chính đã ngưng nhận giao gạo xuất khẩu (XK) từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục thì lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.

Để giảm tải cho cảng Cát Lái, các tàu vận tải, trong đó có các tàu vào thu mua gạo đang đổ dồn về Cảng Cần Thơ và Cảng Vĩnh Thới (An Giang), nhưng cũng rất ách tắc trong việc đi vào nội địa do quy trình kiểm soát dịch COVID-19.

“Vì vậy, phải có cơ chế tháo gỡ để các tàu vận tải vào thu mua, vận chuyển được lúa thì mới giải tỏa được tình trạng ách tắc trong tiêu thụ, vận chuyển hiện nay”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị.

Có nên mua gạo dự trữ quốc gia?

Tại Hội nghị, đại diện UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có kiến nghị với Chính phủ yêu cầu Tổng cục Dự trữ quốc gia thu mua 100.000 tấn gạo theo chương trình dự trữ quốc gia thì sẽ kích cầu được thị trường lúa gạo.

Không đồng tình với đề xuất này, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA cho rằng vấn đề hiện nay là ùn ứ trong lưu thông, vận chuyển. Hiện 90% lúa gạo là vận chuyển XK bằng đường thủy, trong khi việc lưu thông hết sức khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của các địa phương.

“Do ùn ứ trong lưu thông, vận chuyển nên các DN lớn khả năng xuất hàng hiện cũng chỉ đang duy trì được khoảng 50% so với bình thường. Nguyên nhân chính vẫn là không có lao động để duy trì hoạt động. Hoạt động vận tải cả tháng nay hết sức khó khăn, hàng không thể bốc lên tàu để XK được. Trong khi đó, giá cước vận tải đang rất cao, nhất là xuất sang thị trường Châu Phi...” - ông Nam cho hay.

Đại diện VFA lo ngại, nếu tình hình này kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín DN, nguy cơ mất khách hàng. “Hiện nay điểm nghẽn nhất đang nằm ở chỗ lưu thông, không xuất được hàng nên tồn kho, DN không thể thu mua thêm lúa gạo được. Vì thế không nhất thiết phải mua tạm trữ quốc gia, mà chỉ cần gỡ khâu lưu thông để bán, xuất được gạo thì DN sẽ tự tăng cường mua gạo trở lại để đẩy giá lúa lên”, ông Đỗ Hà Nam nêu quan điểm.

Sẵn sàng đảm bảo vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, hiện nay, vấn đề vốn không phải là nguyên nhân cốt lõi gây khó khăn cho hoạt động thu mua, XK gạo, mà vấn đề đang nằm ở khâu ách tắc thông thương, gây tồn kho của DN. Ông Tú khẳng định hiện nguồn vốn của các ngân hàng thương mại đang rất dồi dào. Nếu DN lúa gạo có nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đồng tình và cam kết đảm bảo vốn vay cho DN thu mua lúa gạo tạm trữ theo cơ chế cho phép lấy lúa gạo thu mua chính là tài sản thế chấp.

Đọc thêm