Giải tỏa lo ngại liên quan việc xử lý vi phạm giao thông từ clip của người dân

(PLO) - Thông tin Cảnh sát Giao thông (CSGT) tới đây sẽ xử phạt người vi phạm qua clip tố cáo của người dân khiến dư luận dấy lên nhiều lo ngại: Liệu sẽ xảy ra tình trạng những người vốn hiềm khích nay sẽ có dịp “soi mói” nhau, CSGT liệu có lạm dụng hình thức này…?.
Một tài xế vi phạm giao thông tại Hà Nội bị mời lên xử phạt sau khi CSGT xác minh hình ảnh clip trên mạng.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, nhấn mạnh: “Nếu người dân gửi cho chúng tôi những hình ảnh, video vi phạm Luật An toàn giao thông, chúng tôi phải xác minh theo đúng quy định của luật xử lý vi phạm hành chính. Khi có đủ tài liệu để khẳng định vi phạm và lập biên bản thì mới có thể xử lý được”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) Khuất Việt Hùng, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/8/2016 (thay thế Nghị định 171 và Nghị định 107 của Chính phủ) có nhiều điểm mới, trong đó mở rộng nhiều mức phạt và nâng cao chế tài với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc giám sát của người dân thông qua các hình ảnh, clip vi phạm của những người tham gia giao thông gửi đến cơ quan chức năng để thẩm định, xử lý thì đã có từ trước đó chứ không phải bây giờ mới quy định. 

“Ủy ban ATGTQG cũng chỉ đạo nhiều, xử lý nhiều, quy định này không có gì mới trong Nghị định 46. Người dân có quyền và trách nhiệm tham gia bảo vệ pháp luật và có quyền chụp hình, ghi hình. Hiến pháp đã quy định người dân có thể làm những gì pháp luật không cấm. Một số cơ quan truyền thông nói đây là quy định mới, là không chính xác”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng cho biết thêm, trong Fanpage của Ủy ban ATGTQG, người dân thường xuyên gửi những clip, hình ảnh các trường hợp vi phạm giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy. Dựa trên những thông tin này, Ủy ban ATGTQG sẽ có những đánh giá sơ bộ, sau đó sẽ chuyển cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý. Điều quan trọng, trước khi xử phạt, cơ quan chức năng phải xác minh độ trung thực của thông tin do người dân cung cấp, nhằm khẳng định những hình ảnh, clip gửi đến là chính xác, không bị cắt dán, không bị dàn dựng để vu khống cá nhân nào đó.

Nói cách khác, những clip này không thể là chứng cứ trực tiếp. “Chính vì thế, luật đã quy định chỉ căn cứ vào các phương tiện nghiệp vụ của cơ quan chức năng có thẩm quyền, dữ liệu gốc… mới tiến hành xử phạt”, ông Hùng nói.

Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) giải thích thêm, hiện không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định clip của người dân cung cấp cho CSGT là căn cứ để xử phạt hành chính. Tại Điều 79 của Nghị định 46 chỉ bổ sung thêm đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt được sử dụng trang thiết bị theo đúng quy định của pháp luật, và đó là nguồn cung cấp cho cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.

"Nếu người dân gửi cho chúng tôi những hình ảnh, video vi phạm Luật an toàn giao thông, chúng tôi phải xác minh theo đúng quy định của luật xử lý vi phạm hành chính. Khi có đủ tài liệu để khẳng định vi phạm và lập biên bản thì mới có thể xử lý được”, Thượng tá Bình nhấn mạnh.

Bình luận về vấn đề với quy định này, liệu một số người có “lạm dụng”?. Luật sư Tạ Quốc Long (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhận định, bất kỳ một công dân nào cũng có quyền tố giác hành vi vi phạm pháp luật, họ thực hiện chức năng giám sát không chỉ các hoạt động của cơ quan nhà nước mà còn giám sát những hoạt động nói chung của xã hội. “Cho nên khi họ thực hiện việc cung cấp những hình ảnh, video vi phạm pháp luật giao thông chính là thể hiện trách nhiệm công dân. Đây cũng là việc cả xã hội tuân theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, Luật sư Long nói.

Tuy nhiên, vẫn theo phân tích của luật sư Tạ Quốc Long, phải phân biệt rành mạch quyền và nghĩa vụ của công dân. Nghĩa vụ nắm bắt, xử lý các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông là của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, còn người dân chỉ là phối hợp. “Vì thế đừng bao giờ đặt vấn đề “phát động toàn dân cung cấp clip vi phạm giao thông”. Không nên cái gì cũng đưa người dân ra để kêu gọi phòng chống”, Luật sư Long nêu quan điểm. 

Đọc thêm