GĐTP chưa thực sự được quan tâm
Trình bày tóm tắt kết quả giám sát tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha - Phó Trưởng Đoàn giám sát - cho biết, thời gian qua, trên cơ sở Luật GĐTP và các văn bản pháp luật có liên quan, công tác GĐTP trong tố tụng hình sự cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Các tổ chức GĐTP công lập đã được củng cố, hoàn thiện ở 3 lĩnh vực giám định chuyên trách (pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự) cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật. Các tổ chức GĐTP theo vụ việc đã được thành lập trong các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng, công thương, tài nguyên và môi trường.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, một số loại tội phạm gia tăng và diễn biến phức tạp, số lượng các vụ GĐTP được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng nhiều.
Lĩnh vực kỹ thuật hình sự trong Công an nhân dân trung bình mỗi năm tiến hành giám định gần 75.000 vụ, giám định pháp y trong Công an nhân dân trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 12.811 vụ việc, Viện Pháp y quốc gia của Bộ Y tế tiến hành giám định 14.821 vụ việc.
Cùng với đó GĐTP theo vụ việc tăng nhanh trong những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai cơ bản đáp ứng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do quá trình tổ chức triển khai thực hiện chứ không phải do các quy định của luật. Nguyên nhân của việc này, theo ông Pha, là do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác GĐTP. Chất lượng trưng cầu giám định chưa thực sự bảo đảm; trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong trưng cầu giám định chưa cao. Năng lực trình độ của một số giám định viên còn hạn chế…
Vướng mắc nhất là về kinh phí?
Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp - cho rằng, thời gian gần đây nổi lên hiện tượng dường như cơ quan điều tra ở một số địa phương dựa vào kết luận giám định để đưa ra kết luận điều tra thay cho hoạt động điều tra chuyên môn. Cho rằng vướng mắc nhiều nhất là về kinh phí phục vụ công tác giám định và đào tạo giám định viên, ông Sơn đề nghị Quốc hội cần quan tâm hỗ trợ cho các địa phương về vấn đề này.
Đề cập đến tình trạng thiếu giám định viên trong một số lĩnh vực chuyên môn, một số lĩnh vực không có đủ giám định viên, một số cơ quan không cử người, không có danh sách giám định viên, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng nguyên nhân là do sự thiếu quan tâm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với người thực hiện, cơ quan thực hiện giám định dẫn đến thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, lĩnh vực giám định theo vụ việc xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hoá thông tin, tài nguyên môi trường đang rất khó khăn, có những vụ việc đến nay vẫn phải chờ. “Như vừa rồi, điều tra các vụ đầu tư liên quan đến PVC của Tập đoàn Dầu khí, dự án điện Ethanol, dự án gang thép Thái Nguyên có việc thiết bị mua ở nước ngoài nên điều tra xác minh rất khó, phải phối hợp tương trợ tư pháp hình sự.
Quá trình xây dựng chủ yếu là tiền do tạm ứng, cổ đông đóng góp, vay ngân hàng, nhưng nhiều năm không có quyết toán. Khi đề nghị giám định của Bộ Tài chính lại bị Bộ này yêu cầu phải có quyết toán, thanh toán mới kết luận được nên rất khó khăn”, ông Vương nói.
Cho rằng, quá trình điều tra vụ việc về kinh tế cũng rất khó khăn. Một vụ án phải trưng cầu rất nhiều bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành cần xây dựng tổ chức giám định trong cơ quan, bồi dưỡng giám định viên và xây dựng quy chuẩn thực hiện.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP tại phiên họp chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về GĐTP, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác GĐTP, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định; sửa đổi, bổ sung quy định về trưng cầu và tiếp nhận thực hiện giám định lần đầu; bổ sung quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan trưng cầu và cá nhân, tổ chức được trưng cầu; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành đối với công tác GĐTP.