Cho khách du lịch đi “tàu bay giấy”
Trình độ văn hóa 10/12, Nguyễn Hữu Dương (SN 1952, ngụ tổ 27, phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) từng làm rất nhiều công việc khác nhau để sinh sống, trong đó có nghề “cò” đất.
Sau khi lập gia đình, với vốn liếng dành dụm được, cộng thêm các mối quan hệ, năm 2005 Dương thành lập Công ty TNHH Thái Việt (trụ sở số 70, đường Đống Đa, quận Hải Châu), đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, đại lý vé máy bay.
Nhưng vì trình độ “tay ngang”, kinh nghiệm không có, nên suốt nhiều năm liền công ty đều làm ăn thua lỗ. Dương vẫn “cố đấm ăn xôi” đứng ra tổ chức nhận tour trong và ngoài nước rồi quỵt tiền.
Nhận thấy Công ty Thái Việt làm ăn mất uy tín, gây ảnh hưởng đến ngành du lịch của Đà Nẵng, năm 2008, Thanh tra Bộ VH - TT&DL đã phạt 12 triệu đồng với các lỗi: Không mua bảo hiểm cho khách du lịch nước ngoài, không có ít nhất 3 hướng dẫn viên du lịch quốc tế theo quy định…
Sau lần bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, Dương vẫn không chịu làm ăn chính đánh mà càng trượt dài trong sai lầm. Năm 2010, công ty đưa khách đi du lịch An Giang, nhưng nợ tiền khách sạn tại đây cả năm không thanh toán, buộc đơn vị này phải nhờ Thanh tra Đà Nẵng can thiệp.
Hai năm sau đó, đầu tháng 7/2012, bà Phan Thị Minh Sâm (ngụ tỉnh Kon Tum) ký hợp đồng du lịch Hàn Quốc với Công ty Thái Việt trị giá 47 triệu đồng/2 người. Ngoài hợp đồng, công ty còn thu của bà Sâm 4.000USD tiền đặt cọc chương trình, 20 triệu đồng tiền đặt cọc làm visa, 10 triệu đồng để đổi ra tiền Hàn Quốc.
|
Công ty lữ hành do Dương làm chủ đã lừa đảo vô số du khách |
Nhưng Công ty Thái Việt đã không thực hiện cam kết như hợp đồng, việc thu các khoản tiền ngoài hợp đồng cũng trái quy định. Do đó, khi bà Sâm làm đơn tố giác, công ty đã bị Thanh tra Sở VH-TT&DL Đà Nẵng phạt 20 triệu đồng, đồng thời ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Khi quyết định chưa kịp gửi đến nơi, cũng trong tháng 7/2012, Công ty Thái Việt tiếp tục “bỏ rơi” 31 du khách của Xí nghiệp săm lốp ô tô thuộc Công ty Cao su Đà Nẵng tại Thái Lan. Vụ việc lúc bấy giờ đã gây xôn xao ngành du lịch Đà Nẵng vì lý do Công ty của Dương còn nợ tiền đối tác tại Thái Lan, nên phía đối tác buộc phải có biện pháp mạnh, đòi thu hết hộ chiếu, giam lỏng khách tại tiền sảnh khách sạn, không cho nhận phòng.
Dương còn giở rất nhiều thủ đoạn như ký hợp đồng nhận tổ chức tour, nhận tiền trước, sau đó “xù” không thực hiện và chiếm đoạt luôn tiền của khách…
Thời điểm lực lượng chức năng ra quyết định khởi tố bị can, Dương bỏ trốn, được xác định đã ra nước ngoài. Cuối tháng 3/2013, Công an TP. Đà Nẵng đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Nguyễn Hữu Dương theo diện đặc biệt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai tháng sau, Ban Tổng Thư ký Interpol phát lệnh truy nã quốc tế với Dương.
Trốn sang Mỹ làm bồi bàn vẫn không thoát
Vốn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Dương dễ dàng làm giấy tờ theo diện du lịch rồi sang Mỹ định cư bất hợp pháp.
Nơi xứ người, tuy nỗi sợ bị công an truy bắt luôn hiện hữu nhưng vì số tiền hai vợ chồng mang theo đã cạn kiệt, Dương phải tính đến chuyện mưu sinh. Thời gian đầu, vợ chồng Dương đi hái hoa quả thuê cho chủ trang trại lấy 100 USD/ngày. Với mức sống ở Mỹ, số tiền ít ỏi đó không đủ cho vợ chồng Dương trang trải chi tiêu, chưa nói đến việc phải gửi về lo cho con cái, nên cả 2 quyết định ra phố làm bồi bàn cho một nhà hàng người Việt ở Mỹ.
|
Đối tượng Dương đã bị bắt tại Mỹ, di lý về Việt Nam |
Kẻ mạt vận nhanh chóng rũ bỏ vị thế một ông chủ sang trọng trong quá khứ để lao vào làm công việc bưng bê, phục vụ khách rất chăm chỉ. Cũng nhờ đó mà vợ chồng Dương được ông chủ quý mến cho ở lại chỗ làm.
Trong lúc đó, PC52 Công an Đà Nẵng phối hợp cùng C52 Bộ Công an Việt Nam vẫn miệt mài cử trinh sát theo dõi. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ đồng bộ, đặc biệt từ người thân của Dương, các đơn vị chức năng nắm rõ Dương đang ở Mỹ. Một thông báo được gửi đến Ban Tổng thư ký Interpol. Cảnh sát Mỹ và Bộ an ninh nội địa Mỹ lập tức vào cuộc, rà soát, theo dõi các khu vực có nhiều người Việt Nam sinh sống.
Đến cuối tháng 8/2014, cảnh sát Mỹ đã lần ra manh mối của Dương. Đối tượng bị bắt gọn, làm các thủ tục trục xuất về nước. Nhận được tin từ nước bạn, Văn phòng Interpol (C55) Bộ Công an Việt Nam, C52 và PC52 Công an TP. Đà Nẵng có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để tiếp nhận đối tượng. Ngay trong đêm 28/8, PC52 Công an Đà Nẵng tiếp tục di lý Dương từ TP. Hồ Chí Minh về TP. Đà Nẵng.
Theo thượng tá Trần Cảnh, Phó Phòng PC52, mặc dù sau chặng đường dài từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc, về Việt Nam rồi đi ô tô từ TP. Hồ Chí Minh về Đà Nẵng, nhưng Dương không hề tỏ ra mệt mỏi, còn tỏ ra nôn nóng, thúc giục mọi người được lên đường về quê nhà.
Tại cơ quan điều tra, Dương thành khẩn khai nhận hành vi, không quanh co và cho biết, bản thân dù tin tưởng tài ẩn náu của mình, nhưng trong thâm tâm vẫn biết sẽ có ngày đền tội.
Nhiều lúc làm việc mệt nhọc, bị coi khinh… Dương cũng ao ước: “Phải chi tui đang ở Việt Nam để được công an đến bắt, đền tội cho rồi”. Dương cho rằng, vì sống tại nước bạn, không hiểu luật pháp nên không dám trình báo, trong khi đó hằng ngày phải làm đối diện với cảnh sống chui lủi, luồn cúi, đến nhớ con cái cha mẹ cũng không dám điện về thăm hỏi….
PC52 đã bàn giao đối tượng Dương cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công anTP. Đà Nẵng thụ lý theo thẩm quyền./.