Tháng 6/2006, Cty TNHH MTV du lịch - thương mại tỉnh Kiên Giang (gọi tắt là KTC) được thành lập với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là mua bán xăng dầu, xuất khẩu gạo, đầu tư tài chính, bất động sản... có 100% vốn nhà nước.
Nguyễn Hùng Linh (SN 1963, ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang) được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Cty KTC với nhiệm vụ điều hành hoạt động của Cty, chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định các hợp đồng vay, cho vay, hợp đồng kinh tế khác.
Quá trình công tác, Linh cùng Lê Nguyễn Hoàng Nam (SN 1978, ngụ phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá), Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh (KH-KD) Cty KTC đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thành lập 3 công ty cho người thân đứng tên và tự ý lấy gạo của Cty KTC bán cho các đối tác nước ngoài để trục lợi.
Từ cuối năm 2008, Cty KTC ký hợp đồng mua gạo của Cty TNHH Việt Phong có trụ sở tại ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (Tiền Giang) do Lê Thị Thanh Diễm (SN 1978, ngụ phường Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP HCM) là Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc.
Theo thỏa thuận, sau khi ký hợp đồng mua gạo, phía Cty KTC sẽ cho Cty TNHH Việt Phong tạm ứng 90% giá trị hợp đồng và cử cán bộ đến kiểm tra kho hàng của Cty TNHH Việt Phong để xác định có đủ lượng gạo tương đương với số tiền cho tạm ứng. Sau đó, Lê Nguyễn Hoàng Nam sẽ đại diện Cty KTC ký với Lê Thị Thanh Diễm biên bản gửi số lượng gạo này tại kho Cty TNHH Việt Phong.
Tháng 2/2009, Nam bắt đầu móc nối với Diễm “mượn” số gạo của Cty KTC gửi tại kho Cty TNHH Việt Phong giao cho 3 Cty Kiên An Phú, Cty Khang Long; Cty Thuận Phát (đều do người thân của Nam và Linh đứng tên) đem xuất bán cho các đối tác nước ngoài kiếm lời và không cho Cty KTC biết.
Bằng thủ đoạn này, 3 Cty trên đã xuất khẩu được 16.951,9 tấn gạo thu lợi 2,42 tỷ đồng chia nhau. Ngoài ra, Nam còn cấu kết với Diễm kê giá gạo cung cấp cho Cty KTC cao hơn thực tế từ 100 đến 500đ/kg để “ăn” chênh lệch khoản tiền 667 triệu đồng.
|
Nguyễn Hùng Linh. |
Cuối năm 2009, tuy làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán và thiếu nợ hơn 100 tỷ đồng, Cty TNHH Việt Phong vẫn tiếp tục ký 4 hợp đồng bán gạo cho Cty KTC. Trong số 4 hợp đồng này, Nam tham mưu cho Linh và Đỗ Hiếu Liêm (SN 1953, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá), Phó Tổng Giám đốc Cty KTC ký 2 hợp đồng mua 7.000 tấn gạo. Phan Văn Trinh (SN 1956, ngụ phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá) Phó phòng KH-KD tham mưu cho Linh và Liêm ký 2 hợp đồng mua 4.000 tấn gạo của Cty TNHH Việt Phong.
Sau đó, Nam, Trinh trực tiếp ký 4 biên bản gửi tại kho của Cty TNHH Việt Phong số lượng 9.900 tấn gạo để Cty KTC tạm ứng tiền cho Cty TNHH Việt Phong. Từ việc thiếu trách nhiệm trong khâu kiểm tra, đáng giá năng lực, khả năng tài chính của Cty TNHH Việt Phong, nhóm này ký liên tục nhiều hợp đồng, sau khi cho tạm ứng tiền lại không đôn đốc, kiểm tra, xác định số lượng gạo gửi tại kho của Cty TNHH Việt Phong, tạo sơ hở cho Cty TNHH Việt Phong lừa đảo chiếm đoạt của Cty KTC số tiền 50,58 tỷ đồng.
Riêng Huỳnh Vũ Anh (SN 1969, ngụ phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá) là cán bộ giám sát của Phòng KH-KD có nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, xác định, giám sát số lượng hàng hóa trong kho của khách hàng đến khi Cty KTC nhận được hàng, phải thường xuyên báo cáo về tình hình hàng hóa và hoạt động kinh doanh của khách hàng, thực hiện các hợp đồng cung ứng, xuất khẩu gạo...
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Vũ Anh không tuân thủ các quy định của Cty, cố ý làm trái gây hậu quả nghiệm trọng. Cuối năm 2009, khi Cty KTC ký 4 hợp đồng với Cty TNHH Việt Phong, Vũ Anh được cử đến kiểm tra, giám sát và xác định số lượng gạo trong kho của Cty Việt Phong. Mặc dù biết khối lượng gạo trong kho của Cty Việt Phong không đủ như các hợp đồng đã ký nhưng Vũ Anh vẫn ký xác nhận vào biên bản kiểm tra hàng hóa là có đủ số lượng.
Đối với Âu Tấn Việt (SN 1977, ngụ phường Vĩnh Lạc) được bổ nhiệm là Phó phòng KH-KD của Cty KTC vào năm 2011. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Việt không tuân thủ các quy định mà cố ý làm trái trong việc giao 1.065 tấn gạo cho Cty nước ngoài gây thiệt hại cho Cty KTC số tiền 638.450USD, tương đương 13,45 tỷ đồng./.