Sẽ cấm mua bán kháng sinh nếu không có toa bác sĩ

(PLO) - Luật Dược sửa đổi quy định cấm mua bán thuốc không có toa của bác sĩ đối với các loại thuốc thuộc danh mục phải kê đơn, dược sĩ và nhân viên hiệu thuốc cũng phải bán theo toa.
Lãnh đạo Bộ Y tế ký cam kết triển khai kế hoạch phòng chống kháng thuốc quốc gia. Ảnh: LH.
Lãnh đạo Bộ Y tế ký cam kết triển khai kế hoạch phòng chống kháng thuốc quốc gia. Ảnh: LH.
Chiều  20/11, lãnh đạo Bộ Y tế ký cam kết triển khai kế hoạch phòng chống kháng thuốc quốc gia giai đoạn từ 2013 đến 2020.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết kháng thuốc đang là vấn nạn toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thống kê trên toàn thế giới mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD cho vấn đề này. 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế đã chỉ ra kháng kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng, trở thành thách thức đối với việc điều trị bệnh tật trong tương lai.
Hưởng ứng chiến dịch kêu gọi cộng đồng cùng chung tay phòng chống kháng thuốc của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế triển khai Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc trên toàn quốc từ ngày 16 đến 22/11. Nhiều hoạt động cộng đồng được tổ chức tại nhiều tỉnh thành như kêu gọi một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, với khoảng 10% người ký trực tiếp và 90% trên trang fanpage Facebook “Tuần lễ kháng thuốc kháng sinh 2015 - AMR Week 2015 Viet Nam”. 
Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn, đồng thời tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị. Việc sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi cũng phải theo đúng hướng dẫn. Cán bộ y tế phải tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn, sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh khẳng định kháng sinh rất cần thiết để điều trị cho người mắc bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, ông khuyến cáo nếu sử dụng loại thuốc này không hợp lý hoặc lạm dụng kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Hệ lụy kéo theo là sự gia tăng các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc, thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, trở thành gánh nặng cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Để đảm bảo sử dụng kháng sinh hợp lý, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng nhằm nâng cao ý thức của thầy thuốc, cán bộ y tế, người bán thuốc và cả bệnh nhân. Trong đó, thầy thuốc và cán bộ y tế cần phải chỉ định dùng thuốc kháng sinh hợp lý, chỉ kê đơn khi cần thiết. 
Người bệnh cần hiểu rằng phải sử dụng thuốc có kê toa, không dùng kháng sinh một cách tùy tiện mà phải hợp lý, đúng chỉ định. Người đứng đầu ngành y tế nhìn nhận thực trạng tại Việt Nam, người dân có thể dễ dàng đến bất kỳ hiệu thuốc nào mua kháng sinh mà không cần phải có toa thuốc. Trong khi ở các nước tiên tiến phải có toa của bác sĩ mới được mua thuốc.
Hiện nay Luật Dược cấm bán thuốc không theo đơn đối với các loại thuốc phải kê đơn, đồng thời có quy chế rõ ràng về việc kê đơn đối với bác sĩ. Bộ trưởng Tiến cho rằng cần phải bổ sung thêm quy định và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với nhân viên bán thuốc ở các hiệu thuốc ngoài bệnh viện. 
Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt. Bà đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Quản lý Dược nghiên cứu, phối hợp ban hành Thông tư về kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn tại các quầy thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.
Trong Luật Dược sửa đổi Bộ Y tế đang trình Quốc hội dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp tới có đề cập đến quy định cấm mua, bán thuốc không có toa của bác sĩ. Theo dự thảo, các dược sĩ, nhân viên bán thuốc ở các hiệu thuốc phải bán thuốc theo đơn, nhất là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. “Nếu không đột phá làm một cuộc cách mạng, đến lúc nào đó, hơn 90 triệu người dân chúng ta không còn thuốc chữa bệnh nữa”, người đứng đầu ngành y tế bày tỏ lo ngại./.

Đọc thêm