Sáng nay (17/1), Ban Tuyên giáo TƯ đã tổ chức hội nghị báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc TƯ.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, qua tổng hợp báo cáo của 63/63 tỉnh ủy, thành ủy; 61/66 ban, bộ, ngành cho thấy đây là nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất. Ngay sau khi có nghị quyết, Bộ Chính trị đã ban hành kế hoạch xác định rõ mục đích, yêu cầu; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, uỷ viên TƯ, bí thư cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan các cấp trong việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết.
Bên cạnh đó, Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ cũng ban hành nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 18. Tiếp đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng triển khai ngay và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Kết quả thực hiện, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định kết thúc hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đến nay cơ bản hoàn thành sắp xếp, bố trí công việc mới phù hợp hoặc thực hiện chế độ, chính sách đối với 168 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và công chức, người lao động sau khi kết thúc hoạt động 3 Ban chỉ đạo.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Quốc hội đã sửa Luật Công an nhân dân; Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức bộ máy Bộ Công an.
Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy từ TƯ đến cơ sở; đồng thời, thực hiện bố trí công an chính quy về một số xã trọng điểm. Bộ Công an cũng là đơn vị thực hiện quyết liệt, đi tiên phong trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Theo đó, Bộ này đã giảm 6 tổng cục, tổ chức lại 2 bộ tư lệnh theo mô hình cục; 55 cục, vụ và tương đương; 819 phòng và tương đương; gần 1.000 đội (chưa kể các bệnh viện, học viện, trường công an nhân dân).
Về cán bộ, Bộ Công an đã giảm 35 cán bộ lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương, 287 trưởng phòng và tương đương. Các địa phương giảm 14 giám đốc cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh, 174 trưởng phòng và tương đương, 524 đội trưởng và tương đương.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban Tổ chức TƯ cũng cho hay, trong năm qua, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giảm 3 cơ quan TƯ. Bước đầu sắp lại để giảm 9 tổng cục và tương đương thuộc bộ (6 tổng cục và 2 bộ Tư lệnh của Bộ Công an và 1 tổng cục của Bộ TN&MT). Đồng thời cơ cấu lại để giảm cục, vụ và tương đương ở các cơ quan TƯ; các ban, sở, ngành cấp tỉnh; cấp phòng và tương đương giảm nhiều nhất.
Về số lượng lãnh đạo quản lý, đã giảm 11 lãnh đạo cấp tổng cục, 171 lãnh đạo cấp vụ (trong đó 36 lãnh đạo vụ, cục thuộc tổng cục); 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương; 9.223 lãnh đạo phòng và tương đương.
Nhờ sắp xếp lại tổ chức, đã giảm 60.656 biên chế (bao gồm: cán bộ, công chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố).
Không chỉ vậy, nhiều mô hình tổ chức bộ máy ở các địa phương cũng được thí điểm, như việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra cấp huyện; hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ cấp huyện…
Các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực thực hiện rà soát, sắp xếp các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án. Việc sắp xếp các ban quản lý dự án ở địa phương đã giảm 17 đầu mối trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 92 đầu mối cấp phòng; 22 cán bộ lãnh đạo cấp sở, 121 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
“Có thể khẳng định nghị quyết đã được triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản, chặt chẽ, toàn diện các nội dung, ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, bước đầu đạt kết quả tích cực, có sức lan tỏa”, ông Tùng nhấn mạnh.
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18 đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ trọng chi thường xuyên năm 2018 của cả nước còn 63,3%, giảm 1,6% so với năm 2017 (mặc dù vẫn bảo đảm tăng lương cơ sở 7%/năm).