Giảm gánh nặng nợ công khi đã “xoay đủ kiểu”

(PLO) - Khi cơ cấu vốn của một sản phẩm phần lớn là tiền đi vay thì nền kinh tế chưa thể đảm bảo phát triển bền vững.
Nghe Đoàn giám sát báo cáo, Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 vào sáng qua (1/10), UBTVQH còn nhiều trăn trở vì báo cáo chưa làm rõ được quá trình tái cơ cấu “đang ở đâu”...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Phải làm rõ tái cơ cấu đang ở đâu" 
“Dò đường” nên chậm
Đó là thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu về những kết quả khiêm tốn trong thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua. Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm ủy ban pháp luật cũng nhận xét, “ngay từ đầu về chính sách để việc thực hiện đề án tái cơ cấu cũng chưa được thực hiện cương quyết” là nguyên nhân khiến tái cơ cấu vẫn đang theo tốc độ “rùa”. Thẳng thắn đánh giá, ông Phan Trung Lý nhận thấy, “báo cáo giám sát không có nhận xét cụ thể rõ ràng và ngại nói về trách nhiệm, thậm chí câu “nặng” nhất liên quan đến trách nhiệm trong báo cáo giám sát chỉ là “chưa thể hiện quyết tâm”. 
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội lưu tâm nhiều đến việc đánh giá trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện tái cơ cấu. “Trách nhiệm từng cấp một đến đâu. Có thể không chỉ được trách nhiệm của từng bộ ngành cụ thể thì cũng phải chỉ ra được trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành nói chung, địa phương đến đâu trong việc thực hiện tái cơ cấu”.
Còn ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội lo ngại nhất về vấn đề thể chế làm khung pháp lý cho quá trình tái cơ cấu nên cho rằng phải chỉ ra được cụ thể trong 3 năm qua, từ các cấp các ngành việc hoàn thiện chính sách đã đi được vào cuộc sống chưa, nếu chưa thì vì sao, cái gì còn thiếu… 
“Đơn cử như về tập đoàn Nhà nước hiện cũng mới chỉ dừng lại ở quyết định thực hiện thí điểm của Chính phủ. Bao nhiêu bất cập trong hoạt động thực tế của các tập đoàn nhưng đến nay hành lang pháp lý vẫn chỉ là văn bản thực hiện thí điểm là chưa được”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói. 
Theo báo cáo giám sát, ngoài những kết quả bước đầu, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã bộc lộ những hạn chế, trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội  là 6,5-7% mà ước khả năng thực hiện chỉ đạt 5,8%. Những yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, mô hình tăng trưởng mới chưa định hình một cách rõ nét. 
“Vấn đề lớn đặt ra là việc kiểm soát lạm phát đạt ở mức thấp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự duy trì, phát triển của doanh nghiệp, việc làm và tăng trưởng kinh tế”-  dự thảo Báo cáo nêu rõ. 
Chưa biết tái cơ cấu “đang ở đâu”
Với một báo cáo giám sát được xây dựng trên cơ sở tổng hợp 6.000 trang báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương về tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn chưa hài lòng vì “báo cáo chưa đánh giá rõ tái cơ cấu tổng thể đang ở đâu và tái cơ cấu các lĩnh vực cụ thể đang như thế nào mà mới chỉ phản ánh thực trạng”. 
Phân tích sâu vào tái cơ cấu đầu tư công làm ví dụ, Chủ tịch Quốc hội  cho rằng, tồn tại nhất của đầu tư công là tính hiệu quả của đồng tiền bỏ ra mỗi sản phẩm. “Đáng lẽ trong cơ cấu vốn của một sản phẩm thì phải gồm 1 đồng của chủ đầu tư, 1 đồng của cổ đông (cổ phiếu) và 1 đồng vay của ngân hàng thì mới bền vững. Khi nào tái cơ cấu để đảm bảo được cơ cấu vốn như vậy mới có hiệu quả” – Chủ tịch Quộc hội nhận định.
Từ kết quả khảo sát và yêu cầu trong giai đoạn tiếp theo, đoàn giám sát của UBTVQH đưa ra các kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo cơ sơ khuôn khổ pháp lý mang tính nền tảng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và tái cơ cấu. Trong đó nghiên cứu xây dựng Luật qui hoạch để làm cơ sở cho qui hoạch ngành, nghề, lãnh thổ tránh việc phá vỡ qui hoạch chung của cả quốc gia như ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng dân tộc nói “vì ông nào cũng quan trọng cả, cứ đến là đòi triển khai khiến phá vỡ qui hoạch”. 
Giảm gánh nặng nợ công từ việc sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách. Đối với các dự án, công trình hạ tầng có khả năng sinh lời, trong trường các thành phần ngoài nhà nước không tham gia mới thực hiện đầu tư công. Ràng buộc trách nhiệm với đầu ra của các dự án đầu tư công. Hiện, “an toàn nợ công bị đe dọa ở chỗ tốc độ tăng nhanh, bội chi lớn và khả năng trả nợ rất đáng lo dù đã thực hiện các biện pháp đảo nợ, vay nợ…, thị trường chứng khoán, tiền tệ vẫn có vấn đề khi thị trường tiền tệ là chính, thị trường vốn ít vì doanh nghiệp chủ yếu vay ngân hàng nên nền kinh tế chưa đảm bảo” – Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Cùng với đó là rà soát lai để xác định hợp lý kế hoạch cổ phần đối với  loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, thực hiện xã hội hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước trong các DNNN, các DN có vốn sở hữu của NN. Rà soát, xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu Xây dựng mô hình giám sát thị trường tài chính phù hợp với điều kiện phát triển của Viêt Nam. Phân cấp mạnh cho địa phương về các lĩnh vực ngoaì bảo đảm chủ quyền quốc gia quốc phòng, an ninh…/.

Đọc thêm