Ì ạch vì chưa chịu làm
Ngày 19/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án TCC kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020, nhưng thực ra quá trình TCC nền kinh tế đã diễn ra từ trước khi có đề án tổng thể. Sau 3 năm triển khai, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế Mùa thu, cả 3 mũi nhọn của tái cơ cấu gồm tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng đều ì ạch.
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần phải nhìn nhận ở góc độ là quá trình TCC đã đi đúng hướng chưa? Nếu đúng hướng rồi mà kết quả hạn chế thì lỗi là do chưa chịu làm”- ông Thiên nêu quan điểm.
Với cách tiếp cận trên, ông Thiên nhận định công cuộc TCC chưa có kết quả vì có xu hướng đánh giá thấp nguy cơ, trong đó nguyên nhân chính là không tuân thủ nguyên tắc thị trường. Dẫn chứng mà vị chuyên gia này đưa ra là Nhà nước đã dành đặc quyền lớn cho một khu vực (DNNN), cộng với ham muốn kiểm soát giá cả đã làm thị trường bị méo mó. Cách tiếp cận phi thị trường như vậy dẫn đến cơ cấu đầu tư sai, cơ cấu ngành sai làm cho cơ cấu kinh tế bị lệch càng nghiêm trọng. “Vấn đề cốt lõi của TCC là phải có kinh tế thị trường đúng nghĩa, nhưng chúng ta lại có xu hướng kiềm chế các quá trình thị trường hóa…” - ông Thiên lý giải.
TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, mấu chốt nằm ở hành động. “Vấn đề áp đặt đầy đủ nguyên tắc thị trường, buộc cạnh tranh công bằng đối với DN đã được nói nhiều, thậm chí rất nhiều, nhưng chúng ta chưa làm gì để áp đặt đầy đủ nguyên tắc này đối với DNNN…” - ông Cung khẳng định.
Dẫn chứng được vị chuyên gia này đưa ra là hiện tượng “ngân sách mềm” còn phổ biến, thể hiện rằng DNNN chưa “lời ăn, lỗ chịu”, Chính phủ vẫn đi vay rồi cho các “anh cả” này vay lại, tức là chưa buộc họ tiếp cận vốn theo nguyên tắc thị trường. Đến khi DN không thanh toán được nợ thì lại cho khoanh nợ, giảm lãi hay chuyển cho DNNN khác.
Thậm chí, khi hàng hóa không bán được thì lãnh đạo Bộ hay địa phương sẵn sàng can thiệp để tiêu thụ sản phẩm DNNN, còn khi thua lỗ thì tăng giá chứ không nghĩ giảm chi phí hoặc tăng năng suất. Đồng thời, người quản lý không bị bãi miễn, miễm nhiệm do doanh nghiệp thua lỗ, không hoàn thành kế hoạch kinh doanh…
Đặc biệt, vẫn còn một số DN “độc quyền” sử dụng tài nguyên quốc gia, DNNN chiếm giữ các độc quyền tự nhiên, mà không bị kiểm soát; Nhà nước vẫn dùng biện pháp tăng giá là biện pháp duy nhất (dễ nhất) để bù lỗ, bù đắp sự yếu kém trong quản lý kinh doanh… Hệ quả của nó là làm méo mó thị trường giá, gây thua thiệt cho các DN khác, nhất là khối tư nhân trong nước…
Phải theo cơ chế thị trường
Nội dung chủ yếu về TCC DNNN trong các Đề án của Chính phủ nêu rõ: Cần áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DNNN, buộc các DNNN phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng như DN khác và đối mặt với cùng điều kiện thị trường như các DN khác.
“Rõ ràng chúng ta đã không thực hiện đúng như đề án. Câu chuyện ở đây là phải thay đổi ở đâu đó, mang tính chất kinh tế chính trị nhiều hơn, thuần túy kinh tế có lẽ không giải quyết được…” - TS Nguyễn Đình Cung quả quyết. Theo ông, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường thì khó kỳ vọng cải cách DNNN một cách mạnh mẽ được…
Theo vị chuyện gia này, đối với DNNN, việc đầu tiên là phải thắt chặt ngân sách, để DN phải tự bươn chải. “Nhà nước vay vốn về cho vay lại, đó không còn là thị trường nữa. Muốn cho thị trường, Nhà nước không đi vay vốn cho DN, mà để DN tự bơi trên thị trường. Để cho DN trực tiếp trên thương trường thì DN mới biết được làm thế nào để có được vốn tốt, rẻ, dài hạn. Từ đó, DN muốn tồn tại thì phải thay đổi” -ông Cung quả quyết.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Đình Thiên cũng đề nghị Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới tư duy về quản trị DNNN, thay vì thực hiện chức năng đại diện quyền chủ sở hữu, các Bộ/ngành và địa phương cần tập trung và chuyên môn hoá nhiều hơn trong việc xây dựng các chính sách quản lý và giám sát…