Có thể điểm lại một số vướng mắc như pháp luật quy định trách nhiệm của chấp hành viên phải xác định giá trị tài sản có lớn hơn hay nhỏ hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án để có quyền kê biên hay không kê biên tài sản theo Điều 90 Luật THADS. Tuy nhiên, hiện mới chỉ quy định về nguyên tắc chung mà chưa quy định cụ thể về cách thức, phương pháp để cho chấp hành viên thực hiện.
Do đó, cần thiết phải quy định bổ sung đối với việc xác định giá trị tài sản theo Điều 90 Luật THADS (chấp hành viên mời Trung tâm thẩm định giá tài sản để thẩm định giá). Chi phí việc thẩm định giá thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Hay liên quan đến quyền thỏa thuận về giá, tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 98, Điều 101 Luật THADS thì “đương sự” có quyền thỏa thuận về giá, về tổ chức bán đấu giá. “Đương sự” theo khoản 1 Điều 3 Luật THADS chỉ bao gồm người được và người phải thi hành án. Trong khi đó, từ thực tế tổ chức thi hành án cho thấy rất nhiều vụ việc (nhất là những vụ việc thi hành cho tổ chức tín dụng ngân hàng) ngoài đương sự còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người có tài sản thế chấp, bảo lãnh cho người phải thi hành (người thứ ba).
Vì thế, nếu chỉ quy định đương sự có quyền thỏa thuận sẽ không đảm bảo quyền và lợi ích của người thứ ba trong khi cơ quan THADS đang xử lý tài sản của họ. Bởi vậy, cần bổ sung quy định: đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản bị cưỡng chế có quyền thỏa thuận về giá, về tổ chức bán đấu giá để đảm bảo quyền và lợi ích của người thứ ba trong khi cơ quan THADS đang xử lý tài sản của họ.
Một điểm nữa là theo Điều 32 Luật Giá thì thời hạn chứng thư thẩm định giá là thời hạn được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá hoặc chứng thư thẩm định giá kể từ ngày ký ban hành. Trường hợp thời điểm bắt đầu đưa ra bán đấu giá thì chứng thư còn thời hạn, nhưng đến thời điểm tổ chức phiên đấu giá, chứng thư hết hạn thì việc sử dụng chứng thư để bán đấu giá tính từ thời điểm nào, có thẩm định lại giá không, chi phí phát sinh ai chịu... (không bao gồm trường hợp đã giảm giá so với chứng thư thẩm định giá).
Riêng vướng mắc này của địa phương, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) đã chỉ rõ, trường hợp cơ quan THADS đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản nhưng tài sản chưa được đưa ra bán đấu giá mà hết thời hạn được ghi trong chứng thư thì cơ quan THADS không tiến hành thẩm định giá lại.
Không những thế, đang có khác nhau trong việc lựa chọn giá để bán đấu giá. Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 99 Luật THADS thì: “Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 32 Luật Giá lại quy định: “Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong các căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc là người được sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản”.
Có quan điểm phân tích, khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Giá năm 2012 và Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 về cùng một vấn đề xác định giá khởi điểm và sử dụng kết quả thẩm định giá làm giá khởi điểm thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau, tức là áp dụng quy định của Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Đồng thời, tại điểm a khoản 2 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định rõ giá khởi điểm của tài sản đấu giá đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật này (là tài sản thi hành án) được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với tài sản đó, tức là được xác định theo quy định của pháp luật về thi hành án. Như vậy, cơ quan THADS áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 99 Luật THADS để thực hiện.
Đáng chú ý là nhiều địa phương thẳng thắn cho rằng, chưa có quy định cụ thể trong trường hợp người phải thi hành án (đặc biệt là các loại hình doanh nghiệp) chống đối (vắng mặt, khóa cổng.), không hợp tác để cơ quan thẩm định giá tiến hành thẩm định giá tài sản đã bị cơ quan THADS kê biên.
Để giải quyết khó khăn trên, địa phương đề nghị bổ sung quy định theo hướng nếu người phải thi hành án cố tình cản trở, chống đối việc thẩm định giá thì sẽ bị cưỡng chế thực hiện. Đại diện Cục THADS tỉnh Nghệ An “hiến kế” thêm: Trước khi tổ chức thẩm định giá tài sản, chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án biết. Trường hợp người phải thi hành án đã được thông báo hợp lệ nhưng vẫn cố tình vắng mặt, chấp hành viên thực hiện việc mở khóa, phá khóa theo quy định tại Điều 93 Luật THADS để tổ chức thẩm định giá.
Vấn đề này, Tổng cục THADS cũng đồng tình và nhấn mạnh nếu người phải thi hành án cố tình cản trở, chống đối việc thẩm định giá thì sẽ bị cưỡng chế thực hiện.