Dễ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), cho rằng tuy dự thảo luật sửa không nhiều nhưng các nội dung chủ yếu tập trung theo hướng giao Chính phủ quy định với tổng cộng 4 nội dung lớn, trong đó có gần 20 nội dung nhỏ được liệt kê như quy định khung số lượng, cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, quy định tiêu chí thành lập tổng cục, cục, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa. “Tôi nhận thấy cách quy định như vậy có nhiều điểm bất cập cần phải làm rõ”, ĐB Cường nói.
Theo ĐB Cường, việc xây dựng theo hướng luật khung là bước lùi của dự thảo. “Có cử tri nói rằng không ở đâu như nước ta, luật được ban hành nhưng Chính phủ không ban hành Nghị định thì luật chết ngay. Có lẽ quy định như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể để khi văn bản có hiệu lực thì thi hành được ngay vẫn còn là ước mơ lâu dài”, ĐB Cường nêu quan điểm.
Đồng quan điểm ĐB Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, việc dự thảo quy định Chính phủ chỉ quy định khung số lượng và giao cho chính quyền địa phương quy định việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện là không phù hợp, dễ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương.
Ngoài ra, theo ĐB Giang, hình thức nhà nước Việt Nam là hình thức nhà nước đơn nhất, nên tổ chức bộ máy nhà nước phải đảm bảo tính thống nhất, thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Việc quy định về tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương là vấn đề rất quan trọng, phải giao cho Chính phủ quy định không nên giao cho mỗi địa phương quyết định sẽ dẫn đến tùy tiện, thiếu thống nhất. Do đó ĐB đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là Chính phủ quy định việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
(Video nguồn: quochoitv.vn)
Áp dụng với tất cả các địa phương là chưa hợp lý
ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, nếu giảm số lượng đại biểu HĐND một cách cào bằng, áp dụng với tất cả các địa phương là chưa hợp lý, cần phải được cân nhắc thận trọng “Theo phương án của Chính phủ thì giảm số lượng đại biểu HĐND cào bằng tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng điều này là không hợp lý, không có tính thuyết phục cao… Chúng ta phải bảo đảm được 2 mục tiêu là bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng phải đảm bảo hoạt động hiệu quả. Nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên”- đại biểu Hạnh nhấn mạnh.
Dẫn Điều 82 theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định, ĐB Hạnh cho biết: Phó Chủ tịch HĐND giúp việc cho Chủ tịch HĐND trong việc điều hành phiên họp. ĐB cho rằng, nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND, trường hợp bất khả kháng không thể tham gia các phiên họp thường kỳ của HĐND thì sẽ không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc khác.
|
ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) |
ĐB Hạnh cũng cho rằng hiện khối lượng công việc của HĐND rất lớn, trong đó quyết định phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của tỉnh… nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thì việc trao đổi khó khăn, việc quyết định những vấn đề lớn sẽ bị ảnh hưởng và hạn chế.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì đề nghị không nên quy định cứng số lượng thành viên HĐND, số lượng Phó Chủ tịch HĐND, cũng như số lượng cơ quan chuyên môn, số lượng phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, mà nên phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
“Như vậy linh hoạt và phù hợp với yêu cầu đặt ra từng thời kỳ trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn đồng thời cũng phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng. Chúng ta không nên quy định cứng nhắc trong luật khi có vấn đề thực tiễn đặt ra lại phải sửa luật”, ĐB Vân phân tích.
Theo ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), cấp huyện giảm còn 1 Phó Chủ tịch là được nhưng cần giữ nguyên Phó trưởng ban chuyên trách như hiện nay, để công việc của HĐND sẽ tốt. “Riêng cấp tỉnh phải có 2 Phó Chủ tịch HĐND để điều hành công việc hiệu quả. Ngoài nhiệm vụ Phó Chủ tịch còn nhiều mối quan hệ khác trong mối quan hệ của mình, nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch sẽ rất khó đảm đương công vụ. Về biên chế, 63 người không là bao nhiêu trong tổng biên chế chung”, ĐBHoà nêu quan điểm.
Đồng quan điểm , Đại biểu Trần Đình Giang (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, theo quy định chức năng nhiệm vụ của Thường trực HĐND có tới 10 nhiệm vụ cụ thể, vì vậy, nếu quy định giảm còn 1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thì rất khó đáp ứng nhu cầu công việc. Nhiều đại biểu khác cũng kiến nghị cần giữ nguyên quy định như hiện hành là có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.