Đòi hỏi từ thực tiễn
Theo Luật sư Lê Thiên, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Lê và liên danh, sức mạnh của báo chí nằm ở khả năng tác động vào dư luận xã hội và đó chính là nguyên nhân khiến các nhà báo thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm cũng như cám dỗ trong quá trình hoạt động.
Hiện nay, Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, thuận lợi để quản lý các hoạt động liên quan đến hành nghề báo chí. Đó là Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản… Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế, việc xử lý vi phạm còn chưa kịp thời, mức xử phạt đối với những hành vi này chưa phù hợp, chưa tạo được tính răn đe cần thiết.
“Dù tác nghiệp đúng quy định pháp luật nhưng thời gian gần đây, không ít nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc liên quan chống tiêu cực. Họ còn bị uy hiếp tính mạng, bị khủng bố tinh thần, thậm chí người thân cũng bị đe dọa. Tình trạng hành hung, cản trở phóng viên trong khi tác nghiệp đang có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Bên cạnh đó vẫn có một bộ phận người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp”, Luật sư Lê Thiên chia sẻ.
Luật sư Lê Thiên |
Cùng quan điểm trên, theo GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, lĩnh vực báo chí hiện nay xuất hiện một số hành vi tiêu cực của các cá nhân, thậm chí là cán bộ, công chức nhà nước khi ngăn cản hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của báo chí.
Hoặc một số doanh nghiệp vì sợ báo chí phanh phui tiêu cực nên đã gây khó dễ cho các nhà báo trong quá trình xác minh, thu thập thông tin. Cùng với đó, cũng có hiện tượng một số nhà báo lợi dụng chức năng, nhiệm vụ của mình để phục vụ mục đích không trong sáng. Do đó, nếu có điều kiện để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí thì đó là điều tốt, nên làm”, ông Đường nói.
Phải có cơ chế đầy đủ
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á, trong giai đoạn hiện nay việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực báo chí chưa phải là vấn đề “nóng” cần giám sát ngay. Đối với những hạn chế, tiêu cực nảy sinh trong lĩnh vực báo chí thời gian vừa qua, Luật sư Thuật cho rằng nguyên nhân xuất phát từ hành lang pháp lý chưa hoàn thiện hoặc thực hiện chưa nghiêm.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của báo chí, rất cần một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuẩn và đầy đủ. Nếu bất cứ cá nhân, tổ chức nào ngăn cản hoạt động tác nghiệp của báo chí hoặc có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí mà cố tình từ chối, gây khó khăn thì phải xử lý nghiêm.
“Khi hành lang pháp lý chưa đầy đủ, cơ chế chưa chuẩn thì chúng ta khó xử lý đến nơi đến chốn. Bởi vậy theo tôi, quan trọng nhất vẫn phải có cơ chế đầy đủ. Chỉ khi hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực báo chí hoàn chỉnh thì chúng ta mới thực hiện bước tiếp theo là giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này”, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật đề xuất.
Nhấn mạnh đến sự hoàn thiện môi trường cho báo chí hoạt động, mới đây, trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã đề nghị phải khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật Báo chí năm 2016, sửa đổi bổ sung, hoàn chỉnh Luật cũng như các văn bản dưới Luật để hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý cho hoạt động báo chí. Đồng thời phải có quy định để điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ chuyên cung cấp thông tin báo chí…
Như vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển vươn tầm của báo chí trong tương lai, bên cạnh sự cần thiết phải giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, cũng rất cần sự hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để từ đó có thể ngăn ngừa một cách hữu hiệu những vi phạm có thể xảy ra - đối với cả nhà báo và những đối tượng chịu sự tác động của báo chí.