Giám sát về công tác trồng và phát triển rừng tại Đắk Lắk

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đoàn giám sát số 06 của Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk mới có 1 tuần làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh, huyện Ea H'leo và huyện Ea Súp về việc "Thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trồng rừng tập trung, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019-2022".
Đoàn giám sát các dự án trồng rừng tại huyện Ea Hleo
Đoàn giám sát các dự án trồng rừng tại huyện Ea Hleo

Số vụ vi phạm Luật lâm nghiệp còn cao

Đắk Lắk hiện có 501.206 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha), diện tích chưa có rừng là 232.423 ha. Độ che phủ rừng đạt 38,35 %. Diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh hầu hết đã được giao cho các Vườn quốc gia, BQL rừng đặc dụng, phòng hộ, các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; đơn vị lực lượng vũ trang, hộ gia đình, cộng đồng và một số tổ chức sự nghiệp khác quản lý, số diện tích còn lại do UBND cấp xã quản lý.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và nhân dân.

Giai đoạn 2019 - 2022, công tác phát triển rừng trên địa bàn được tích cực triển khai, toàn tỉnh đã trồng được là 10.778,8 ha. Trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 153,2 ha, trồng rừng sản xuất 10.625,6 ha. Các hoạt động về quản lý, bảo vệ rừng được chỉ đạo thường xuyên, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, tiếp nhận xử lý 5.142 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó, xử lý hành chính 5.058 vụ, xử lý hình sự 84 vụ; tịch thu 2.033 phương tiện, máy móc, công cụ, 3.902 m3 gỗ các loại, 39.592 kg lâm sản…

Tuy nhiên, Đắk Lắk còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Năng suất, chất lượng rừng trồng thấp, dẫn đến thu nhập từ kinh doanh rừng không cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư trong việc trồng rừng; Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng chưa trở thành phong trào và có sức lan tỏa rộng; chất lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất tại một số địa phương thấp; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa được xử lý dứt điểm; Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp; Công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tại huyện Ea Súp có gần 147.512 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, trong đó, diện tích đất có rừng gần 72.178 ha, đất chưa thành rừng hơn 75.334 ha. Trong giai đoạn 2019 – 2022, trên địa bàn huyện đã trồng được 914 ha rừng. Năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng tại địa phương đạt 42,3%, đến cuối năm 2022, tỷ lệ này là 40,89%. Trên địa bàn có 26 dự án nông lâm nghiệp, với tổng diện tích 17.299,7 ha. Tại các dự án này, tình trạng suy giảm diện tích, trữ lượng rừng vẫn còn xảy ra; Các doanh nghiệp chưa xây dựng lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Hơn nữa, rừng do UBND các xã, thị trấn quản lý với diện tích 25.931 ha không được bảo vệ hiệu quả, dẫn đến bị xâm hại, suy giảm. Giai đoạn 2019 – 2022, toàn huyện xử lý 655 vụ vi phạm quy định về QLBVR.

Tại huyện Ea H'leo, tại các điểm khảo sát, đại diện chủ rừng đã nêu lên những khó khăn, hạn chế là lực lượng rất mỏng, trong khi diện tích rừng rộng lớn nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Tình trạng người dân lấn chiếm đất để canh tác, chặt phá cây rừng diễn ra thường xuyên, trong khi chế tài xử lý hạn chế, không đủ sức răn đe.

Kiến nghị xử lý các doanh nghiệp để mất rừng

Huyện Ea Súp kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo xử lý doanh nghiệp để mất rừng đối với các dự án không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; Cho phép lập thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư song song với đề án sử dụng đất nhằm rút ngắn thời gian hoàn chỉnh thủ tục đầu tư theo quy định. Đồng thời, bảo đảm kinh phí để huyện điều tra, đánh giá hiện trạng rừng do UBND cấp xã quản lý để kêu gọi đầu tư, lập kế hoạch giao rừng hằng năm.

Với kiến nghị trên, Đoàn giám sát yêu cầu huyện Ea Súp thông tin rõ về các dự án trồng rừng chậm, không triển khai; Công tác chỉ đạo, điều hành của huyện và thực hiện của cơ quan chức năng, doanh nghiệp về quy định QLBVR, nhất là hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, dân di cư tự do…

Mặt khác, Ea H'leo cần có giải pháp giải quyết tình trạng diện tích rừng ngày càng suy giảm, độ che phủ rừng vẫn còn thấp; Năng suất, chất lượng rừng chưa cao; Người dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng; Tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản vẫn còn diễn ra…

Đối với huyện Ea Súp, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, các đơn vị chủ rừng cần tăng cường phối hợp, kịp thời báo cáo, đề xuất với chính quyền địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sinh kế cho người dân nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng; tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép…

Sở NN&PTNT Đắk Lắk cần tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Sớm thu hồi những diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép; Đánh giá lại các mô hình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, chủ rừng quản lý, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao; Tăng cường công tác quản lý, kiểm định chất lượng giống cây lâm nghiệp; Tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể từng loại giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực, địa phương; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Đọc thêm