1/3 số doanh nghiệp cố tình chây ỳ
Qua giám sát 12 doanh nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tiền Giang, Báo cáo của Đoàn giám sát liên ngành cho biết, 4/4 tỉnh đều có doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH). Có đến 7/12 doanh nghiệp chưa thực hiện ký hợp đồng lao động và đăng ký tham gia BHXH kịp thời cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp không đăng ký đóng BHXH cho người lao động lớn tuổi đang làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp.
Tại mỗi tỉnh kiểm tra thì tới 1/3 số doanh nghiệp chây ỳ kéo dài thời gian, đóng thiếu tiền BHXH với số tiền lớn; 8/12 doanh nghiệp thường xuyên đóng chậm từ 1-2 tháng; 11/12 doanh nghiệp chưa kịp thời tạm ứng chi cho người lao động khi có phát sinh nghỉ ốm đau, thai sản và dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 11/12 doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương.
Đoàn giám sát cho biết, nhiều doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc hợp đồng học nghề để trốn tránh tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động.
Xử lý khó khăn
Xử lý doanh nghiệp trốn tránh đóng BHXH là một vấn đề nan giải. Theo ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ tiền BHXH hiện nay rất chậm, việc xử kiện khó khăn. Cùng với đó, việc xử lý vi phạm hành chính cũng chưa thực hiện nghiêm túc, số doanh nghiệp bị xử lý còn nhỏ”. Cùng với đó, việc trích tiền BHXH từ tài khoản của doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra BHXH tại các doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn các tỉnh (60/63 tỉnh, thành) cho thấy 100% các tỉnh đều có doanh nghiệp đóng BHXH chậm, gây thiệt hại trước mắt và lâu dài cho đất nước.
Nhưng cũng nổi lên việc 11/12 doanh nghiệp chưa xây dựng thệ thống thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP “là trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, của các đơn vị quản lý nhà nước. Vì thế, Đoàn giám sát liên ngành cần tập trung giám sát các doanh nghiệp từ tháng 5 đến tháng 9 để có báo cáo tổng kết cụ thể, kiến nghị cụ thể lên Chính phủ, Quốc hội” – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu.
Trao đổi bên lề về Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi), ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: “Xét về lâu dài, nếu người lao động tiếp tục tham gia BHXH là có lợi hơn cho họ. Nếu nhận BHXH 1 lần thì người lao động thiệt thòi. Nhưng thực tế, có người sau 1 năm nghỉ việc phải tìm hướng mưu sinh khác nên cần một khoản tiền để tạo nên một công ăn việc làm mới. Mình phải tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Vấn đề lúc này là Chính phủ cần sớm có hướng dẫn người lao động tham gia BHXH tự nguyện để nhận được sự trợ giúp từ phía Nhà nước để được hưởng lương. Còn cực chẳng đã, người nào không thể tiếp tục, không thể chờ đợi được mà muốn lĩnh tiền một lần mình cũng tạo điều kiện thực hiện nguyện vọng của người lao động.
Tuy Chính phủ đồng tình kiến nghị Quốc hội sửa Điều 60 nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu rằng, nếu họ bảo lưu thời gian đóng BHXH, sau này đủ điều kiện hưu trí sẽ có lợi cho bản thân họ”.