Giảm tử hình càng nhiều càng tốt!

(PLO) - Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp cho ý kiến về Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) diễn ra sáng qua (16/10). Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương giảm án tử hình càng nhiều càng tốt.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp
Không phải cứ nộp tiền là thoát án tử
Việc hạn chế hình phạt tử hình đối với 7 tội danh là một trong những vấn đề của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc áp dụng hình phạt tử hình cần giảm bớt, “càng nhiều càng tốt”. “Không văn minh gì tử hình vì trên thế giới có nhiều nước đã bỏ tử hình, trừ những tội chạy thẳng sang hàng địch. Các mức phạt theo quy định như thế là nghiêm rồi” – Chủ tịch Quốc hội cho biết và đề xuất trong các trường hợp không tử hình thì phải áp dụng hình phạt chung thân không giảm án. Đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thánh bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như đề xuất của Chính phủ. 
Cân nhắc các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo hướng bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy hoặc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Khoản 2 Điều 40 Dự thảo Bộ luật quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. 
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi, yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại được tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình.
Người chưa thành niên chỉ chịu trách nhiệm hình sự với 7 tội danh
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định cụ thể các tội mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đã nhận được sự đồng tình của phần lớn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần trước và người dân.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất quy định rõ các tội mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm sự minh bạch, nhân đạo trong xử lý hình sự đối với người chưa thành niên theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Theo Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi sẽ chỉ còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 7 tội danh.
Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp cho ý kiến về Hội đồng Bầu cử quốc gia và ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo đó, Kỳ họp thứ X Quốc hội sẽ quyết định về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bế mạc, kết thúc Phiên họp thứ 42 -  phiên họp với nhiều nội dung quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào 20/10 tới.

Đọc thêm