Gián điệp mạng - “ổ gà” trong quan hệ Mỹ - Trung

(PLO) - Một trong những vấn đề đang gây nhức nhối cho mối quan hệ Mỹ-Trung là các cáo buộc về gián điệp mạng. Theo giới chức Mỹ, trong những năm gần đây, “tin tặc” Trung Quốc đã đột nhập mạng máy tính của nhiều doanh nghiệp Mỹ, đánh cắp nhiều tài sản trí tuệ và bí mật thương mại để chuyển cho doanh nghiệp Trung Quốc. 
Hình minh họa
Hình minh họa
Cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander cho rằng hành vi này đã khiến nền kinh tế Mỹ mỗi năm thiệt hại số tiền ước tính khoảng 250 tỷ USD, theo trang mạng “newsweek.com” ngày 16/9.
Tuy Mỹ không chỉ đích danh Trung Quốc, song Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đã nói rằng Bắc Kinh là “đối tượng tình nghi số 1” trong vụ đột nhập mạng máy tính của Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ hồi tháng 6 vừa qua. Nhóm “tin tặc” hoạt động có bài bản và quy mô này đã ăn cắp thông tin cá nhân của 22 triệu nhân sự, cả đương nhiệm lẫn đã nghỉ hưu. 
“Phạm luật” tình báo quốc tế?
Ông Clapper cùng nhiều quan chức tình báo khác cho rằng hoạt động gián điệp giữa chính phủ các nước là điều diễn ra hết sức bình thường, và Mỹ cũng có những hành động tương tự. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã tiến hành các vụ gián điệp mạng để đánh cắp bí mật thương mại và hành động này vi phạm bộ quy tắc thành văn quy định hoạt động tình báo quốc tế. 
Lẽ dĩ nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc đánh cắp các bí mật thương mại để chuyển cho doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời cáo buộc tội phạm thực sự là các tin tặc tự do. Giới chức Trung Quốc đã viện dẫn các điều luật vừa được Trung Quốc ban hành để xử phạt loại tội phạm này. 
Tuy nhiên, có một thực tế là chính Trung Quốc từng khẳng định những sở hữu trí tuệ thương mại là mục tiêu của hoạt động tình báo mà họ triển khai. James Lewis - cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, người có kinh nghiệm làm việc với Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến hoạt động tình báo - nói: “Tôi đã nhận thấy ý định này trong các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc”.
Bất bình với hoạt động của gián điệp mạng Trung Quốc, ngay trước thềm chuyến thăm Washington của Chủ tịch Tập Cận Bình, một số quan chức tình báo và những quan chức làm việc trong ngành luật pháp đã ủng hộ việc áp đặt trừng phạt đối với các cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến các vụ tin tặc tấn công nhiều tập đoàn Mỹ. 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng chính quyền sẽ đợi tới sau chuyến thăm này rồi mới quyết định xem liệu các biện pháp trừng phạt có cần thiết hay không. Giới chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng dù là trước hay sau thì việc áp đặt các lệnh trừng phạt này cũng sẽ vấp phải phản ứng gay gắt của Bắc Kinh. 
Chưa rõ Trung Quốc sẽ có thái độ thế nào nếu các biện pháp trừng phạt được áp đặt, song người ta dự đoán đó chắc chắn sẽ là những đòn trả đũa mạnh mẽ, trong bối cảnh các thị trường toàn cầu không ngừng lo ngại về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. 
Trên thực tế, một số chuyên gia lo ngại nguy cơ các tranh cãi này sẽ cản trở điều vốn được trông đợi rất nhiều trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới là một tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo, trong đó khẳng định hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không phải đang vướng vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Trả đũa hay nhượng bộ?
Các chuyên gia Mỹ cho rằng cách duy nhất để giải quyết các tranh cãi xung quanh hoạt động gián điệp mạng là hai bên cùng nhượng bộ. Ông Lewis nhấn mạnh: “Chúng ta cần có những cuộc đối thoại chiến lược thực sự để tiến tới các thỏa thuận song phương vững chắc… Đây là điều hai bên cần nhận thức được. Mỹ và Trung Quốc không còn là những người bạn đơn thuần”. 
Trong khi đó, lực lượng an ninh mạng thuộc Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Trung Quốc. Trong tuyên bố ngày 8/9 vừa qua, Đô đốc Michael S. Rogers - Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Không gian mạng - khẳng định rằng “sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân” là các tài sản quan trọng của Mỹ, và các sỹ quan của ông sẽ bảo vệ các tài sản này trước các gián điệp nước ngoài. Justin Harvey - Giám đốc Công ty An ninh mạng Fidelis, có các khách hàng là Quân đội Mỹ và Bộ Thương mại Mỹ - nói: “Việc Lầu Năm Góc đẩy mạnh hoạt động và tuyên bố bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ cũng như thông tin cá nhân là hành động tuyên chiến với các “tin tặc” Trung Quốc”. 
Ngày 17/9, trang tin “Stratfor” cho biết, trước chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington, Nhà Trắng sẽ triển khai các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, hiện nay Nhà Trắng đã thông báo quyết định tạm ngừng áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty của Trung Quốc liên quan đến các hoạt động gián điệp mạng đánh cắp bí mật của các công ty Mỹ. 
Theo “Stratfor”, các kế hoạch trừng phạt ban đầu do phương tiện truyền thông Mỹ tiết lộ cho biết: Mỹ có thể sẽ áp dụng Chỉ thị của Tổng thống Obama ký hồi tháng 4/2015, cho phép Bộ Tài chính nước này tịch thu tài sản và phong tỏa hoạt động giao dịch tài chính của các thực thể tham gia các cuộc tấn công mạng nhằm vào giới cơ quan, doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, có một thực tế là rất khó để quy trách nhiệm cho các thực thể đặc biệt này. 
Các biện pháp trừng phạt cũng khó có thể giải quyết tận gốc các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc, cho dù chúng được thực hiện bởi các cơ quan tư nhân hay Nhà nước. Các biện pháp trừng phạt cũng có thể sẽ gây trở ngại cho Trung Quốc trong việc giải quyết các khó khăn kinh tế vốn đang làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. 
Mặt khác, động thái này cũng sẽ làm cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Mỹ trở nên căng thẳng. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, giới quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận liên quan đến một số vấn đề an ninh mạng trong một cuộc họp cấp cao ngày 11/9 tại Washington. 
Mặc dù các nội dung cụ thể trong thỏa thuận 11/9 không được quan chức hai bên tiết lộ nhưng chắc chắn một điều rằng chính sách an ninh mạng của cả Bắc Kinh và Washington sẽ không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, cuộc họp ngày 11/9 cũng đã nhấn mạnh một bước tiến quan trọng trong chính sách dựa vào đối ngoại của Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế từ cuộc tấn công mạng. 
Các cá nhân và doanh nghiệp  Trung Quốc có lợi ích kinh tế trong việc tiếp tục thực hiện các hành động đánh cắp bí mật của các doanh nghiệp Mỹ từ không gian mạng. Mặc dù Mỹ là một trong những nước có kỹ thuật công nghệ hiện đại vào bậc nhất có khả năng đảm bảo an ninh mạng, nhưng những khả năng đó không thể giúp Mỹ bảo vệ các công ty tư nhân trước những kẻ xâm nhập. 
Do đó, Washington sẽ không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công mạng nếu không có sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Nếu vẫn để các cuộc tấn công mạng diễn ra, Mỹ sẽ có nhiều điều để mất, trong khi Trung Quốc sẽ được lợi nhiều hơn. 
Vấn đề toàn cầu
Hiện nay, vấn đề an ninh mạng được xem là vấn đề mang tính toàn cầu, hầu hết các quốc gia trên thế giới - kể cả Trung Quốc - cũng đang nỗ lực phối hợp đối phó với các nguy cơ, thách thức liên quan đến vấn đề an ninh mạng. 
Cũng như tất cả các nước khác, các chính sách an ninh mạng hiện tại của Mỹ được thiết kế riêng để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Washington đặt ra yêu cầu cần bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước các hoạt động gián điệp không gian mạng trong bối cảnh các hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra trên Internet mà không có sự can thiệp từ chính phủ. 
Theo quan điểm của Mỹ, khu vực tư nhân và chính phủ nên đóng vai trò như nhau trong việc đưa ra các tiêu chuẩn và chính sách quản lý hoạt động Internet công nghệ. Tuy nhiên, khả năng tự bảo vệ của khu vực tư nhân Mỹ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bản than mô hình quản lý Internet của Mỹ hiện nay cũng không thống nhất với mô hình quản lý của các nước như Nga và Trung Quốc. 
Nói cách khác, chính sách quản lý mạng của Mỹ đã làm hạn chế vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ khu vực tư nhân trong không gian mạng từ các đối thủ nước ngoài. Chính phủ Mỹ trực tiếp kiểm soát cơ sở hạ tầng Internet của khu vực công, các giải pháp công nghệ của Chính phủ, do đó thích hợp cho việc phòng chống lại các hoạt động gián điệp chung. Điều này làm vơi đi những lo ngại về các hoạt động phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới điện quốc gia, hệ thống thông tin liên lạc… từ các hoạt động tấn công mạng, vì những hành động phá hoại nói trên từ đối phương có thể phải đối mặt với các đáp trả bằng hành động quân sự của Mỹ. 
Trong khi đó, khu vực tư nhân của Mỹ hầu như phải tự bảo vệ trước các hoạt động gián điệp công nghiệp. Những hoạt động gián điệp mạng nhằm vào họ cũng chưa đến mức buộc Mỹ phải sử dụng các biện pháp đáp trả bằng các hành động quân sự. 
Do khả năng bảo vệ lợi ích khu vực tư nhân của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng bị hạn chế trước các chiến lược kinh tế và chính sách an ninh mạng có sự can thiệp của Nhà nước của Trung Quốc, Nhà Trắng đã phải vật lộn để tìm ra một chính sách đối ngoại hiệu quả nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công mạng từ nước ngoài…

Đọc thêm