Gian nan tìm “đại sứ văn hóa”

Quốc phục, Quốc nhạc, Quốc tửu, Quốc hoa, biểu tượng quốc gia, các món ăn tiêu biểu… là những tinh hoa văn hóa đất nước cần sớm được “định vị”, phát triển thông qua các festival theo chiều sâu. Bởi đó là những “đại sứ văn hóa” phục vụ cho việc giao lưu văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Quốc phục, Quốc nhạc, Quốc tửu, Quốc hoa, biểu tượng quốc gia, các món ăn tiêu biểu… là những tinh hoa văn hóa đất nước cần sớm được “định vị”, phát triển thông qua các festival theo chiều sâu. Bởi đó là những “đại sứ văn hóa” phục vụ cho việc giao lưu văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Festival hoa Đà Lạt
Festival hoa Đà Lạt

Loay hoay xác định… tinh hoa văn hóa

Rất nhiều cuộc bàn thảo về sự chọn lựa cho Quốc phục, nhưng tất cả đều chưa ngã ngũ. PGS, TS Phạm Quốc Sử (Bảo tàng Hồ Chí Minh) đưa ra nhận xét, chiếc áo dài dành cho 21 nhà lãnh đạo các nước đến họp Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế khối APEC lần thứ 14 tại Hà Nội năm 2006 chỉ là giải pháp tình thế. Đó cũng chỉ là chiếc áo dành cho nam giới, không đầy đủ làm một “bộ quần áo”.

Trước đây, bộ quần áo truyền thống của nam giới thường mặc trong những sinh hoạt trang trọng là bộ quần áo lương trắng ở bên trong, bên ngoài là áo dài the đen. Tầng lớp quan lại, quý tộc có thể thay bộ quần áo lương vải thường bằng lụa, áo the bằng áo gấm, nhưng vẫn theo nguyên tắc sáng và sẫm, âm dương hài hòa. Nhà vua thì vận hoàng bào bởi màu vàng tượng trưng cho vua, chúa.

Nhưng ngày nay không còn vua chúa, không còn chế độ chuyên chế thì ta không cần bộ đồ này. Còn phụ nữ trước thời thuộc địa Pháp,có một bộ trang phục rất đẹp, đó là bộ áo váy “mớ ba- mớ bảy” dành cho những dịp trang trọng hay lễ hội.

Sau này, vào đầu những năm 1930, bộ nữ phục tân thời mới ra đời. Bộ quần áo tân thời (áo dài) mà phụ nữ nước ta thường mặc trong những sinh hoạt sang trọng hay lễ hội hiện được đánh giá rất cao, nhưng chưa chính thức được bầu chọn theo thể thức quốc gia. Bởi thế cho nên, rất cần phải có cuộc bầu chọn Quốc phục cho cả nam, lẫn nữ, trong đó không nên bỏ quên tư cách “ứng viên” của bộ áo váy “ mớ ba mớ bảy” của phụ nữ Việt thời xưa.

Việt Nam đã có Quốc ca là bài Tiến Quân ca rất nối tiếng, nhưng đó là bản nhạc và bài hát cách mạng của nước Việt Nam mới. Rất cần có một bản Quốc nhạc được chọn trong số các bản nhạc dân tộc truyền thống. Bản Quốc nhạc đó sẽ được  tấu lên trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong các lễ hội non sông, các dịp Quốc ca như Giỗ tổ Hùng Vương, như lễ tế đàn Nam Giao….bên cạnh bản Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cũng cần phải có biểu tượng đất nước trong các trang trí khánh tiết và giao lưu quốc tế. Chúng ta cũng đã có Quốc huy, nhưng đó là dành cho nhà nước. Biểu tượng đất nước phải mang ý nghĩa chiều sâu văn hóa nhiều hơn. Người Hàn Quốc hay lấy hình “lưỡng nghi” biểu thị âm dương làm biểu tượng.

Thực ra, lưỡng nghi là hình tượng văn hóa quen thuộc của người nước Châu Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Cộng hòa DCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam) nhưng người Hàn Quốc đã “nhanh chân” nhận trước hình tượng này làm biểu tượng quốc gia của họ. Nhiều ý kiến cho rằng, nên lấy trống đồng Ngọc Lũ làm biểu tượng.

Đây là hình tượng đẹp, chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và đậm chất Việt. Song mặt trống đồng có quá nhiều chi tiết phức tạp, không dễ hiểu đối với đa số những người không có chuyên môn. Cũng có thể chọn di sản này làm biểu tượng văn hóa đất nước, nhưng phải qua bầu chọn chính thức và phải tinh giản văn hóa hơn nữa có đỡ phức tạp đối với thị giác người xem.

Một linh vật để góp phần xây dựng hình ảnh đất nước cũng rất cần thiết trong thời hội nhập. Trước đây, nước ta với tư cách là nước chủ nhà Seagame 22 đã lấy trâu vàng làm biểu tượng và gây được ấn tượng tốt. Nhưng bầu chọn linh vật cho đất nước phải nhằm vào những linh vật đã thật sự được nhân dân tôn thờ. Trong trường hợp đó, con rùa là một “ứng viên” có nhiều ưu thế bởi rùa thần gắn với tâm thức Việt Nam và cả chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam.

Và, chồng chéo các festival

 Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI. Một số hoạt động văn hóa đối ngoại nổi bật được tổ chức tại Hà Nội, như các chương trình hoạt động văn hóa “Những ngày châu Âu” với những chương trình biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, liên hoan phim, triển lãm giới thiệu các tác phẩm văn học nước ngoài…; tại Thừa Thiên Huế tổ chức “Liên hoan văn hóa ẩm thực Việt- Nhật”, lễ hội “Lăng Cô- Huyền thoại biển”, liên hoan du lịch quốc tế “Du lịch đường bộ xuyên Á”; Vũng Tàu có “Festival Diều quốc tế”; TP.Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Lễ hội đường hoa, Ngày hội Du lịch, Lễ hội trái cây Nam bộ, Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam; thành phố Huế tổ chức Festival nghề truyền thống lần thứ 4 với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế”…

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế xã hội, văn hóa các festival này chưa đem lại như mong muốn. Mỗi năm trung bình, cả nước có khoảng 34 festival và lễ hội đương đại, tuần văn hóa- du lịch, không kể hơn 10 lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, cách mạng có quy mô lớn được tổ chức. Mật độ cùng sự chồng chéo về thời gian đã dẫn đến sự cạnh tranh giữa các festival, làm phân tán điểm tới của du khách.

Bên cạnh đó, sự thiếu bền vững trong duy trì bảo vệ thương hiệu, việc khai thác di sản văn hóa trong các sự kiện festival còn nhiều bất cập, việc phục dựng di sản văn hóa đáp ứng các mục tiêu của festival cần phải xuất phát từ lịch sử, kế thừa và phát triển là quan điểm mấu chốt trong tổ chức các sự kiện vă hóa; việc giới thiệu văn hóa nước ngoài còn rời rạc thiếu tính hệ thống.

Tiến sĩ Đỗ Thị Minh Thúy (Trường Đại học Văn hóa) cho hay: “Cần hoàn thiện việc tổ chức, cũng như nội dung các sự kiện của festival, phát triển theo chiều sâu để festival thực sự là những “đại sứ văn hóa”.

Trong chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, Việt Nam nêu rõ việc đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác ngoại giao văn hóa, bảo đảm nguồn lực cho ngoại giao văn hóa, gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam, đa dạng hóa các loại hình vận động danh hiệu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hy vọng với những động thái này, tới đây Việt Nam sẽ có được những “đại sứ văn hóa” thực sự để giao hòa với bạn bè thế giới…

Vắng bóng Quốc tửu và món ăn mang đậm phong vị Việt Nam

Quốc tửu, tức một thứ rượu ngon đặc biệt và thuần Việt dùng trong các đại tiệc và nghênh tiếp khách quốc tế. Người Trung Hoa có rượu Mao Đài, người Nhật Bản có rượu Sa kê, Hàn quốc có rượu So Chu rất nổi tiếng, được thế giới biết  đến. Nước ta có nhiều  thứ rượu ngon, nhưng hoàn toàn được chế biến thủ công, không đảm bảo vệ sinh công nghiệp nên vẫn chưa rõ loại rượu nào trở thành Quốc tửu.

Người Việt có câu “Miếng ngon nhớ lâu”, bởi thế, nhiều người nước ngoài đã biết đến phở, bánh chưng và biết đến nước mắm của Việt Nam. Ngoài các món kể trên, các món như giò lụa, nem rán, bún chả, cốm làng vòng, cơm hến, bún bò Huế….cũng là những món ngon, xứng đáng với tư cách “ứng viên” của món ăn tiêu biểu của Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thực sự bầu chọn và đầu tư quảng bá, tôn vinh những món ăn này và hiện Việt Nam vẫn chưa lựa chọn được món ăn nào mang đậm phong vị Việt Nam nhất để giới thiệu bạn bè năm châu. 

Thùy Dương