Giằng co giữa xét xử và trả thù ở Iran

Đền tội là khái niệm chung được sử dụng trong tư pháp. Nhưng có lẽ chỉ trong luật lệ của Đạo Hồi thì chữ “đền” trong “đền tội” mới thực sự được vận dụng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà điển hình trong phán quyết theo kiểu “nợ gì trả nấy” theo Luật Đạo Hồi  ở Iran.

Đền tội là khái niệm chung được sử dụng trong tư pháp. Nhưng có lẽ chỉ trong luật lệ của Đạo Hồi thì chữ “đền” trong “đền tội” mới thực sự được vận dụng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà điển hình trong phán quyết theo kiểu “nợ gì trả nấy” theo Luật Đạo Hồi ở Iran.

 

Chuyện xảy ra cách đây đã hai năm, nhưng vừa rồi bản án mới được đưa ra thực hiện và chưa thực hiện thì đã lại bị hủy bỏ nên gây ồn ào trong dư luận.  

Cách đây 5 năm, cô gái Ameneh Bahrami bước vào một trường đại học ở thủ đô Teheran của Iran. Một chàng sinh viên đem lòng yêu cô sinh viên nhưng bị cô sinh viên khước từ. Chàng sinh viên này đã tạt a xít vào mặt cô gái làm cho mặt cô gái bị biến dạng và đôi mắt bị hủy hoại đến mức không thể cứu được.

Cô gái sang Tây Ban Nha để chữa chạy nhưng cả sau 17 lần phẫu thuật cũng vẫn không tránh khỏi bị mù vĩnh viễn. Cô gái kiện chàng sinh viên thất tình ra tòa và một tòa án ở Iran xét xử theo luật Hồi giáo, nhưng trước tiên chỉ buộc anh chàng kia đền bù về vật chất. Cô gái không chấp nhận và đòi xử theo nguyên tắc “mắc tội gì thì đền tội ấy”.

Lúc đầu, tòa án chấp nhận để cho cô gái nhỏ a xít vào một con mắt của chàng trai và nhận bồi thường 30.000 euro. Cô gái vẫn không chấp nhận và rồi tòa án buộc phải đồng ý tuyên án là làm mù đôi mắt của kẻ đã làm mù đôi mắt của cô gái.

Theo thông báo của tòa án Iran, cô gái đã từ Tây Ban Nha về Iran để thực hiện bản án đối với chàng trai kia, nhưng chỉ vài giờ trước đó, tòa án lại hủy vô thời hạn việc thi hành bản án. Ameneh Bahramin quyết tâm đấu tranh đến cùng để buộc tòa án Iran thi hành bản án.

Tòa án Iran không dám hủy bản án hay đưa ra xét xử lại, mà chỉ trì hoãn vô thời hạn việc thi hành bản án. Vụ việc này làm dư luận cả trong lẫn ngoài Iran bị phân rẽ sâu sắc. Tất cả đều đồng tình việc phải xét xử nghiêm minh kẻ đã hủy hoại thân thể và nhan sắc của cô gái trẻ.

Nhưng bản án và việc thi hành án thì lại gây bất đồng quan điểm. Luật Hồi giáo cho phép xét xử và phán quyết như thế nên tòa án ở Iran khó có thể làm khác nếu như không muốn bị mang tiếng là không khách quan và công bằng hay trọng nam khinh nữ. Bên ngoài cũng không có lý do gì để can thiệp.

Chỉ có chuyện mắc tội gì thì phải đền tội ấy như vậy lại rất hiếm thấy, khiến các bên đều rất khó xử, bị giằng xé giữa tình cảm và lý trí, giữa tạo tiền lệ và lo ngại về thông lệ, giữa trừng phạt và thương xót, giữa xét xử và trả thù.  Vì thế mà vụ việc chưa tới được hồi kết.

Thiên Lang

Đọc thêm