Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đồng chủ trì cuộc họp |
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy cho biết, vấn đề nói trên hiện còn 2 quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng nên giao cho Tòa án chỉ ra quyết định THA, còn các quyết định khác do cơ quan THADS thực hiện. Phương án này vẫn đảm bảo sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và giai đoạn THA, nâng cao trách nhiệm của Tòa án đối với kết quả thi hành bản án, quyết định của mình; đồng thời, sẽ không gây xáo trộn nhiều về tổ chức và hoạt động THADS; không làm thay đổi bộ máy của Tòa án và cơ quan THADS; giảm bớt thủ tục hành chính.
Quan điểm thứ hai cho rằng, nên giao cho Tòa án ra các quyết định liên quan trực tiếp đến khởi động việc THA, làm dừng và thay đổi nội dung bản án, quyết định của Tòa án (như THA hình sự). Nếu theo quan điểm này thì Tòa án phải ra 12 loại, với 17 quyết định về THADS (quyết định THA, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, ủy thác, trả đơn yêu cầu THA…). Cơ quan THADS ra các quyết định về THA liên quan trực tiếp đến thủ tục tổ chức thi hành quyết định THA, trong đó cơ quan THADS ra 37 loại, với 40 quyết định về THA như: quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế...
Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và THADS; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong việc xét xử cũng như việc theo dõi, kiểm soát, thống kê các bản án, quyết định đã được Tòa án ra quyết định thi hành; tạo cơ chế để bảo đảm bản án, quyết định được ban hành có tính khả thi cao hơn; kịp thời khắc phục được những sai sót trong các bản án, quyết định đã tuyên… Tuy nhiên, theo quan điểm này sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục mới liên quan đến Tòa án, cơ quan THADS và người dân, kéo dài quá trình THA.
Lo phát sinh thêm bộ máy
Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Nguyễn Tất Viễn đặt vấn đề: THA là hoạt động tư pháp, không hẳn là hoạt động tố tụng. Nếu giao cho Tòa ra quyết định THA thì sẽ như thế nào?. Do đó, ông Viễn cho rằng “việc giao hay không giao phải có những lập luận cụ thể”.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Trai - Cục trưởng Cục THA, Bộ Quốc phòng cũng lo ngại: “Nên giao cho Tòa án ra quyết định chung về THA, bởi nếu giao hết thì bản chất sẽ là chuyển THA về cho Tòa án, sẽ làm phát sinh thêm bộ máy tại Tòa án và thêm nhiều thủ tục hành chính rườm rà”. Vì thế, Thiếu tướng Phạm Ngọc Trai cho rằng, trong giai đoạn hiện nay thì quan điểm thứ nhất là phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế để Tòa án có thể thay đổi những bản án, quyết định đã tuyên có sai sót, bất cập.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ 10, VKSNDTC thận trọng: “Nếu chuyển cho Tòa án thì phải đổi mới hoạt động của Tòa, trong khi Tòa, VKS hiện vẫn đang chờ sửa Luật Tổ chức TAND, VKSND. Thay đổi như vậy trong khi chưa có tổng kết, đánh giá là thiếu thực tiễn”. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề về thủ tục hành chính, ông Hùng cho rằng, giao cho Tòa án ra quyết định THA đồng nghĩa với việc dân phải đến hai cơ quan để giải quyết công việc của mình, như vậy sẽ kéo theo nhiều thủ tục, chi phí. Đó là chưa kể các vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Do đó, ông Hùng đề nghị “cần nghiên cứu kỹ quy định này”.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tỏ rõ quan điểm: Trách nhiệm của Tòa án là cơ quan xét xử, ra bản án, còn việc thi hành bản án đó như thế nào thuộc về cơ quan hành pháp. Cơ quan hành pháp thi hành án theo Luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình. Ông Lâm không đồng tình với việc giao Tòa án ra các quyết định về THA vì “làm mất nhiều thời gian, nhiều thủ tục” và “rối thêm tình hình”. Nếu lựa chọn, ông Lâm cho rằng “tạm đồng ý với phương án 1”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào thì “quan trọng nhất là làm sao phán quyết của Tòa án được thi hành trên thực tế”. Phó Chánh án cho rằng, việc giao cho Tòa án ra quyết định THA là tạo sự gắn kết nhưng “ra một quyết định thì không ổn, không giải quyết được vấn đề vì sau quyết định THA còn là các quyết định khác có liên quan như ủy thác, đình chỉ, tạm đình chỉ…Vì vậy nên giao cho Tòa ban hành cả những quyết định này”.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Việc giao cho Tòa án ra những quyết định nào thì cần phân biệt từng loại án (án chủ động, án theo yêu cầu, thi hành quyết định của trọng tài, hay quyết định phá sản…). Riêng vấn đề về trình tự, thủ tục, Bộ trưởng yêu cầu phải nghiên cứu kỹ để làm sao “thuận lợi nhất cho người dân”.