Phần lớn thanh niên hiện nay có lập trường chính trị vững vàng
Ngày 28/8 vừa qua, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu kết nạp học sinh THPT vào Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy. Báo cáo cho thấy, thời gian qua, các cấp ủy Đảng trực thuộc và các đơn vị liên quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đạt kết quả bước đầu quan trọng. Đến nay, có 19 Đảng bộ quận, huyện, thị xã đã kết nạp được 82 đảng viên là học sinh THPT. Đảng viên mới được kết nạp thật sự là những học sinh xuất sắc tiêu biểu, nổi trội trong học tập và phong trào đoàn, là tấm gương cho các học sinh THPT khác noi theo.
Sự kiện này minh chứng cho kết quả nghiên cứu nhiều năm gần đây của Viện Nghiên cứu Thanh niên rằng, phần lớn thanh niên hiện nay có lập trường chính trị vững vàng, có lòng tin mạnh mẽ vào mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng. Những băn khoăn, suy nghĩ, trăn trở của thanh niên đối với xã hội, đất nước và của chính bản thân thanh niên đã nói lên chính những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm để hoàn thiện hơn. Đơn cử, khi được hỏi trong tình huống hay hoàn cảnh nhất định đòi hỏi tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc, có tới 82,7% thanh niên có thái độ quan tâm và bày tỏ mong muốn được làm gì đó giúp ích cho đất nước khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về giá trị sống hiện nay của thanh niên, đa số thanh niên đều hướng đến những giá trị tốt đẹp của xã hội như: hạnh phúc, hòa bình, cống hiến…
Theo số liệu điều tra qua các năm của Viện Nghiên cứu Thanh niên, có một tỷ lệ rất lớn từ 60 - 70% thanh niên mong muốn, nguyện vọng được vào Đảng. Đây là một điều đáng mừng về mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của thanh niên. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, trong những năm qua đã thực hiện tốt vai trò giáo dục, xây dựng lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, thường xuyên bổ sung đội ngũ đảng viên trẻ cho Đảng...
|
Thanh niên, sinh viên tình nguyện Thành phố Hồ Chí Minh thu gom rác thải và dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy sông, rạch trên địa bàn quận Gò Vấp. Ảnh TTXVN |
Nguyên nhân nào khiến giới trẻ suy thoái đạo đức, lối sống?
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại một thực tế báo động về việc suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ như: thiếu lý tưởng, không có động lực phấn đấu cụ thể và rõ ràng cho bản thân; thói dối trá, không trung thực, không tuân theo những chuẩn mực đạo đức mà xã hội quy định; không chuyên tâm vào việc nâng cao năng lực trình độ bản thân, có ý ỷ lại người khác; không chịu rèn luyện, cống hiến, lao động mà chỉ muốn sung sướng... Mặt khác, tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức như số lượng thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng tăng, trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng; tình trạng bạo lực học đường cũng có xu hướng gia tăng; thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại: khoảng 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm ở độ tuổi 15 - 19...
Vẫn biết rằng, “giới trẻ là tương lai của toàn nhân loại”, nhưng với thực tế giới trẻ sống thực dụng chỉ chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên những giá trị tinh thần thì “tương lai của nhân loại” sẽ đi về đâu? Nguyên nhân của suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ do đâu? Những câu hỏi này đã từng làm nóng diễn đàn cuộc Hội thảo chuyên đề “Giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh “do Trung ương Đoàn chủ trì tổ chức vào năm 2019.
Mang tới Hội thảo nhiều trăn trở về sự suy thoái đạo đức, lối sống trong thanh niên hiện nay, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm hiện tượng khủng hoảng lý tưởng, đạo đức và lối sống biểu hiện ở một bộ phận thế hệ trẻ khiến người lớn phải suy ngẫm hai điều: “Thứ nhất, hiện tượng tiêu cực trong thế hệ trẻ hiện nay tại sao lại nổi cộm như vậy? Thái độ của những người có trách nhiệm đối với thế hệ trẻ lý giải điều đó thế nào”.
Đặc biệt, ông Đức đã chỉ ra cái “gốc” của hiện tượng tiêu cực trong một bộ phận thế hệ trẻ do hiện tượng tiêu cực trong xã hội “lây lan” sang giới trẻ, khiến giới trẻ suy giảm niềm tin. Sự tha hóa đạo đức, lối sống là vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội hiện nay. Giới trẻ sẽ hành xử như thế nào trước những “tấm gương” xấu, nếu họ không được trang bị một kỹ năng sống đúng đắn, bởi giới trẻ luôn lấy người lớn làm mẫu mực để hướng tới và hành động.
Do đó, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tháng 4/2022.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, trong đó có thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên luôn được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sự quan tâm đối với công tác giáo dục, nhất là công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước”.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành Giáo dục sẽ triển khai giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khát vọng trong chính nhà trường, trong mỗi môn học và trong quá trình đổi mới giáo dục.
Giúp thanh thiếu niên kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề
Ngày 24/8/2023 trước thềm năm học mới 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 4567/BGDĐT-GDCTHSSV năm 2023 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2023 - 2024 đối với các sở GD&ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm. Theo đó, đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, Bộ GD&ĐT yêu cầu: đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập đối với môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân, kinh tế - pháp luật; các nội dung về giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và văn hóa trong trường học... Đồng thời, thực hiện công tác phát triển đảng viên trong trường học, bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong HSSV...; theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong HSSV; tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với HSSV để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc trong HSSV...
Có thể nói, việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc của giới trẻ để từ đó giúp người trẻ trang bị được kiến thức, hiểu biết cách thức, kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề là rất quan trọng. Năm 2019, trong một bài trả lời phỏng vấn, từ góc độ nghiên cứu về thanh niên, TS. Đỗ Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã cho biết, cùng với những thay đổi của cơ chế kiểm soát xã hội đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật, thì đối với bản thân thanh, thiếu niên, họ cũng cần phải được trang bị về kiến thức, hiểu biết cách thức, kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề.
“Vì thế, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên hiện nay không thể là trách nhiệm của riêng ai” - theo TS. Đỗ Ngọc Hà - “Chúng ta không thể đổ lỗi cho mỗi gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội, các tổ chức Đoàn, Hội hay đổ lỗi cho quản lý nhà nước và truyền thông. Vấn đề quan trọng là các giải pháp xã hội cùng làm thế nào để mỗi người trẻ có được sự hiểu biết, văn hoá thực hành quy tắc, chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Bởi khi thanh, thiếu niên đã tự mình xây dựng được “màn chắn” tự bảo vệ, thì tác động của những thông tin sai lệch hay các trường hợp như Khá “bảnh” chỉ như một hiện tượng, nổi lên rồi chìm đi. Kiến thức, kỹ năng giúp thanh, thiếu niên biết nhận biết đúng - sai và không bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch chuẩn mực”.