Theo đó, GDNN đặt ra một số yêu cầu cần đổi mới để phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030 là tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; phát triển GDNN mở và linh hoạt; chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là nhà trường thứ hai; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó có tự chủ tài chính các cơ sở GDNN công lập là xu hướng không thể đảo ngược; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo.
Với phương án đưa ra chỉ tiêu, hệ thống GDNN ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tuyển sinh khoảng 19,8 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 16,620 triệu người, trình độ trung cấp là 1,85 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,35 triệu người.
Trong số này ít nhất có 85% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề và trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 35% có văn bằng, chứng chỉ.
Giai đoạn 2025 - 2030, tuyển sinh hàng năm đạt 6,3 triệu người; cả giai đoạn 2025 - 2030 tuyển sinh khoảng 29,1 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 25,4 triệu người, trình độ trung cấp là 2,225 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,475 triệu người.
Đồng thời, ít nhất 90% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có văn bằng, chứng chỉ.
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp được coi là sợi dây xuyên suốt, làm cơ sở, định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian 10 năm tới. Đây là sự tiếp nối của Chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.