Thầy giáo mang tình yêu sách đến với học trò

(PLVN) - Để góp phần từng bước tạo cho các em hứng thú với sách và xây dựng thói quen đọc sách, xa dần các trò chơi điện tử, ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có một thầy giáo trẻ đã xây dựng một mô hình thư viện gia đình. Điều đăc biệt là tất cả các học sinh đến đây đều được đọc sách miễn phí.
Học sinh đọc sách tại thư viện gia đình nhà thầy Nghĩa.
Học sinh đọc sách tại thư viện gia đình nhà thầy Nghĩa.

Thầy giáo Ngô Văn Nghĩa, giáo viên Trường Tiểu học Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được nhiều người biết đến bởi sự đa tài, đa năng trong công việc cũng như các hoạt động xã hội. Nhiệt tình, sôi nổi là những cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc.

Từ khi ra trường, nhận công tác đến nay, thầy Nghĩa ngoài việc trau dồi, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phấn đấu nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi các cấp còn là một Tổng phụ trách, Bí thư Đoàn trường năng động, gắn bó và xây dựng nhiều phong trào Đoàn Đội ở trường cũng như địa phương đang công tác. 

Năm 2010, được vinh sự kết nạp vào Đảng khi mới 21 tuổi, đây thực sự là dấu mốc, là động lực giúp thầy giáo trẻ phấn đấu hơn trong công việc. Nhìn bảng thành tích dày dặn cũng cho thấy thầy giáo trẻ này đã tham gia vào những hoạt động phong trào như thế nào. 

Đó là tham gia Liên hoan Báo cáo viên giỏi toàn quốc lần thứ nhất, tham gia Hội thi tuyên truyền viên trẻ lực lượng quân sự tỉnh Bắc Ninh; Tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... 

Thầy đã trực tiếp vận động ủng hộ học sinh nghèo và tham gia cùng với Thị Đoàn Từ Sơn tặng chăn và tất ấm cho trẻ em nghèo thuộc xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, thăm và tặng quà cho 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống tại huyện Quốc Oai và Chương Mỹ - Hà Nội; Vận động, phối hợp với phụ huynh cho các em học sinh trong lớp đi thăm và tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại làng Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tham gia vận động, từ thiện tại xã Đông Lỗ, Hiệp Hoà, Bắc Giang. 

Học sinh trong lớp có hoàn cảnh khó khăn cũng được thầy tặng quà động viên. Tổng số tiền vận động được trong các đợt làm từ thiện lớn tới hàng chục triệu đồng. Cùng với đó thầy còn tặng 200 đầu sách cho thư viện thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong trị giá 12 triệu đồng, tặng 20 đầu sách cho thư viện trường TH

PT Từ Sơn với trị giá 6 triệu đồng, tặng 100 đầu sách cho thư viện Trường Tiểu học Phù Khê trị giá 2,5 triệu đồng... 

Đặc biệt, với mong muốn phát triển và nâng cao văn hoá đọc cho học sinh, trong kỳ nghỉ hè vừa qua, thầy Nghĩa đã mở một thư viện nhỏ tại nhà với trên 600 đầu sách và truyện tranh các loại. Phần lớn là các sách về đề tài lịch sử dân tộc, truyện dân gian, truyện về các danh nhân, giáo dục kỹ năng sống, sách khoa học kỹ thuật, sách tham khảo… 

Thư viện mở cửa vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Các em đến đây ngoài việc đọc sách còn được phục vụ miễn phí nước uống, đồ ăn nhẹ. Sau đó các em được tham gia các môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền hơi, bóng đá tại sân nhà văn hoá ngay bên cạnh và các trò chơi dân gian khác. Tiếng lành đồn xa, ban đầu thư viện có 40 em và đến nay duy trì mỗi tuần có khoảng 70 em học sinh đến đọc sách.

Như vậy, có thể thấy nhu cầu đọc luôn luôn có nhưng các em thực sự thiếu những sân chơi, những loại hình thư viện có thể khuyến khích các em có thể phát huy được niềm đam mê với sách. Nhiều cha mẹ học sinh rất phấn khởi khi con em mình đã có thêm một hình thức giải trí bổ ích, hạn chế tiếp xúc với máy tính và điện thoại.

Thầy Nghĩa chia sẻ: “Xây dựng một thư viện gia đình và tâm huyết ấp ủ từ lâu đến nay mới thực hiện được nên thầy sẽ từng bước đầu tư cho thư viện càng đầy đủ, phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu được học, được đọc của học sinh.

Phấn đấu mỗi tuần sẽ bổ sung khoảng từ 10-20 đầu sách, trang trí các bảng biểu liên quan đến văn hoá đọc sách và tạo không gian đọc sách thân thiện, hài hoà. Sau đó sẽ phấn đấu mở rộng thành một khu vui chơi tích hợp cuối tuần dành cho đối tượng chủ yếu là các em học sinh”.

“Mục đích chính nữa là tạo lập cho các em có thói quen nghiên cứu, tra cứu tài liệu từ bé, giảm thiểu được thời gian sử dụng điện thoại và đồ chơi điện tử, hạn chế thời gian đi chơi không có chủ đích, giảm tải áp lực học sau cả tuần học hai buổi trên ngày… Mình thấy niềm vui của các em khi đến với thư viện và sự ủng hộ của các bậc phụ huynh chính là động lực để thầy giáo trẻ này quyết tâm phát triển thư viện của mình”. 

Đọc thêm