Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2019 với chủ đề “Thầm lặng” nhằm tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã và đang vượt khó, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Tham dự chương trình còn có lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo và 183 thầy, cô giáo tiêu biểu đại diện cho hàng triệu nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước đang mỗi ngày tận tâm, tận lực, thầm lặng hy sinh vì sự nghiệp “trồng người”. Đó là những cô giáo mầm non nơi vùng cao Tây Bắc lấy niềm vui của con trẻ làm động lực để vượt qua khó khăn, thiếu thốn, sự đơn độc giữa núi rừng.
Những giáo viên gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Tây Nguyên mà tên của họ, sự hy sinh của họ đã được lưu truyền như huyền thoại với bà con dân bản… Rất nhiều thầy, cô giáo khác từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến núi cao đang đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, giản dị mà cao quý như thế.
Điểm nhấn của chương trình “Thay lời tri ân” là những phóng sự giàu cảm xúc; những nhân vật khách mời đặc biệt, những câu chuyện khác nhau về tấm gương những nhà giáo đang tận tụy hy sinh cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, năm nào theo dõi chương trình “Thay lời tri ân” ông cũng rất xúc động. Mỗi một câu chuyện khác nhau nhưng đều mang tới một hình ảnh, đó là rất nhiều thầy giáo, cô giáo, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên trên chính mình, tất cả vì học sinh thân yêu.
Ngoài các thầy, cô giáo tham gia chương trình, còn hàng trăm nghìn thầy, cô giáo đang thầm lặng cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Đó là yếu tố quyết định cho giáo dục nước nhà, dù còn nhiều điều phải phấn đấu làm tốt hơn, đạt kết quả được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong những năm vừa qua.
“Những câu chuyện trong chương trình năm nay cũng như những năm trước đây đều cho thấy giáo dục ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn”, Phó Thủ tướng nói.
Bày tỏ sự cảm phục trước những tấm gương của các thầy, cô giáo, Phó Thủ tướng nhắc lại lời của văn hào Pháp Victor Hugo: Nghề nhà giáo là nghề rất cao quý, không chỉ dạy tri thức mà còn phải dạy người. Vì vậy, nhà giáo phải có tri thức nhưng phải có tấm lòng. Trước một sự hiểu biết sâu rộng người ta cúi đầu thán phục và trước những tấm lòng cao cả thì người ta quỳ gối tôn thờ.
Tấm lòng của thầy, cô thực sự là tấm gương để mỗi người dù ở bất kỳ địa vị nào, trong đó có các thầy, cô, cùng soi vào, từ đó vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, tiếp tục phát huy thành tích.