Tham dự và chủ trì buổi Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển Nguyễn Khánh Ngọc, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Ann Margareta Mawe cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội, các Chi hội Hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển, các doanh nghiệp, các giảng viên, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội đã tham gia các hoạt động hợp tác đào tạo, tập huấn với Thụy Điển.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Thụy Điển, giữa Hội hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển và các đối tác, bạn bè Thụy Điển; đặc biệt là những việc làm, tình cảm tốt đẹp của người dân Việt Nam và người dân Thụy Điển dành cho nhau trong suốt chặng đường 50 năm qua. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Thụy Điển là một trong số các nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11/01/1969, do đó mối quan hệ này không ngừng được vun đắp qua năm tháng bởi những thế hệ người Việt Nam và Thụy Điển.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển phát biểu tại tọa đàm. |
Đặc biệt, những công trình lớn ở Việt Nam được Thụy Điển giúp xây dựng như Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Đa khoa Uông Bí đã trở thành những biểu tượng của mối quan hệ giữa hai nước. Hiện nay, mặc dù quan hệ hai nước đã có những bước tiến mới, hướng tới một quan hệ đối tác bình đẳng hơn, khai thác, phát huy thế mạnh của hai nước trong hợp tác; tuy nhiên, mọi người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ những nghĩa cử và tình cảm tốt đẹp mà nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam.
Thứ trưởng cũng khẳng định giao lưu nhân dân chính là cầu nối quan trọng để quảng bá hình ảnh, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển. Năm 2019 là năm Việt Nam và Thụy Điển kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển trong quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục…
Qua đó, Thứ trưởng bày tỏ niềm hy vọng và tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa hai quốc gia, giữa hai dân tộc Việt Nam và Thụy Điển sẽ ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phồn vinh của mỗi quốc gia cũng như đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển trên toàn thế giới. Thay mặt cho Hội Hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển, Thứ trưởng cũng mong muốn Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và Thụy Điển sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và phối hợp trong các hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội trong thời gian tới.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Margareta Mawe phát biểu tại sự kiện |
Nêu lên quá trình hình thành, phát triển của Bệnh viện Nhi TW Việt Nam với Thụy Điển, ông Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ các tổ chức, cá nhân quốc tế đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành đến từ các Tổ chức y tế, trường Đại học Y khoa và các công ty Thụy Điển, hiện nay Bệnh viện đã và đang ngày một phát triển mạnh mẽ cả về năng lực chuyên môn lẫn quy mô hạ tầng cơ sở, xứng tầm bệnh viện hàng đầu Việt Nam trong công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Trong đó, Dự án hợp tác nghiên cứu “Điều trị trẻ sơ sinh thiếu máu não cục bộ” giữa Viện Karolinska Instutet, Thụy Điển và Bệnh viện Nhi TW từ năm 2014 đến nay đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Hơn 150 trẻ sơ sinh và trẻ sinh non thiếu ô-xy não đã được cứu sống nhờ vào việc cải tiến phương pháp điều trị theo các kết quả nghiên cứu. Nhiều hoạt động, đề tài nghiên cứu về kháng sinh và nhiễm khuẩn huyết sơ sinh đã được thực hiện bởi Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Nghiên cứu Việt Nam – Thụy Điển (TRAC) kết hợp với Bệnh viện nhi TW những năm vừa qua.
Nói về bề dày truyền thống hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Thụy Điển, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam nhấn mạnh, công trình Giấy Bãi Bằng là một trong những công trình viện trợ nước ngoài đầu tiên và lớn nhất mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam. Tính từ đó đến nay, Nhà máy Giấy Bãi Bằng là sự thể hiện một cách thành công việc chuyển giao giữa hai đối tác hợp tác phát triển, thoát khỏi mối quan hệ viện trợ cho và nhận truyền thống sang quan hệ mới là đối tác cùng phát triển.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Toạ đàm |
Ông Quang cũng bày tỏ sự mong muón nhận được sự quan tâm, hợp tác và tiếp tục chuyển giao về kỹ thuật và công nghệ Thụy Điển cho Giấy Bãi Bằng tiếp tục phát triển, trên cơ sở đặc biệt giữa Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước, giai đoạn mới này sẽ là giai đoạn bình đằng và quan hệ hữu nghị rộng mở hơn, đó là quan hệ hữu nghị vì tương lai.
Ngoài ra, các đại biểu ở buổi Tọa đàm đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp của 50 năm quan hệ hợp tác phát triển, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến tích cực để ngày càng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn các ban, ngành Trung ương Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác thường niên và các hoạt động mang tính dài hạn nhằm góp phần giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam – Thụy Điển.
Trước buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi tiếp xã giao Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Ann Margareta Mawe .