Bạn đọc Tạ Thanh Huyền, Nghệ An hỏi: Chúng tôi sinh con trước khi kết hôn. Khi con tôi 4 tuổi, chúng tôi ly hôn. Anh ấy từ chối cấp dưỡng nuôi con vì cho rằng đó là con tôi sinh ra trước thời kỳ hôn nhân, là con của tôi với người đàn ông khác. Xin hỏi, tôi phải làm gì để đòi quyền lợi cho con tôi?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Trường hợp chị hỏi, theo nguyên tắc quy định tại điều 88 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, con sinh ra trước ngày kết hôn, nhưng được hai bên thừa nhận thì là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp này, chị chưa nói về trường hợp giấy khai sinh của chị đã ghi người chồng là cha của cháu chưa.
Nếu trong giấy khai sinh của con chị đã ghi tên chồng chị với tư cách là cha đẻ của cháu thì đương nhiên anh ấy phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo luật định. Trường hợp chồng chị muốn khước từ đứa con đó, anh ta phải chứng minh đó không phải là con anh ta.
|
Nếu giấy khai sinh chưa có tên bố, thì chị phải có nghĩa vụ chứng minh bố của con mình là anh ta, sau đó yêu cầu tòa án buộc bố đứa trẻ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con. Biện pháp chứng minh là yêu cầu cơ quan giám định xét nghiệm AND của đứa bé và người chồng của chị.
Bạn đọc Trần Thu Hoa (Bình Định) hỏi: Theo PGS.TS, khi xây dựng luật có cho phép một người đã chuyển đổi giới tính sau một thời gian không phù hợp được chuyển đổi trở lại không?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Chúng ta mới có Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép chuyển đổi giới tính. Để thực hiện quy định này trong thực tiễn còn cần phải có các quy định và hướng dẫn từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp bạn hỏi, theo quy định tại điều 37 thì chưa rõ ràng, vì thế theo quan điểm của tôi thì luật pháp vẫn có thể cho phép chuyển đổi lại giới tính.
Bạn đọc Trần Thị Ngân (Hà Nội) hỏi: Con gái tôi 8 tuổi mang điện thoại của bố đi bán, có viết tay giấy bán hàng. Chúng tôi xin chuộc lại thì người mua nói đã có hợp đồng mua bán. Nhưng theo tôi được biết thì việc ký kết hợp đồng phải theo độ tuổi được pháp luật cho phép. Quy định cụ thể như thế nào, xin ông cho biết?.
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự cá nhân thì trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.Ví dụ các cháu trong độ tuổi này có thể sử dụng tiền mua giấy bút, sách vở, que kem...
Trong trường hợp như chị nêu, con chị lấy tài sản của bố mang đi bán khi cháu mới 8 tuổi thì người mua điện thoại chưa bảo đảm các quy định của pháp luật. Vợ chồng chị có quyền yêu cầu người mua điện thoại phải trả lại tài sản và anh chị trả lại tiền cho người mua.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ là chuyên gia có những nghiên cứu rất chuyên sâu về pháp luật dân sự |
Bạn đọc Mai Liên Phương, ở Đà Nẵng hỏi: 6 năm trước, sau một quá trình chung sống không hợp, tôi và chồng tôi ly hôn. Chúng tôi tự thỏa thuận về tài sản và con cái. Tôi nuôi con. Số cổ phần của công ty chung được hai bên tính toán, và anh ấy sẽ trả cho tôi 10 tỷ tương ứng với số cổ phần của tôi trong công ty. Chúng tôi cũng đã viết biên bản thỏa thuận và 1 bản hợp đồng vay nợ tương ứng với số tiền anh ta sẽ phải trả cho tôi. Hợp đồng cũng ghi rõ tiến độ phải trả. Tuy nhiên, 10 năm rồi mà anh ấy chưa trả tôi một đồng bạc lẻ nào. Xin ông cho biết, tôi có thể khởi kiện đòi chia tài sản sau ly hôn được không? Hay bắt buộc chỉ có thể khởi kiện theo hợp đồng vay nợ mà chúng tôi đã xác lập?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Trong trường hợp này, sau khi hai vợ chồng thuận tình ly hôn, và thỏa thuận về tài sản chung do hai vợ chồng tự giải quyết. Thì sau khi quyết định thuận tình ly hôn có hiệu lực, vợ chồng vẫn có quyền yêu cầu chia tài sản chung. Trong trường hợp của chị, hai vợ chồng đã thỏa thuận, có văn bản là người chồng phải trả chị 10 tỷ đồng.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ đã trả lời câu hỏi của bạn đọc Mai Liên Phương |
Tương ứng với số cổ phần của chị ở trong công ty - Là tài sản chung của vợ chồng. Nếu người chồng chưa trả chị số tiền thỏa thuận đó, thì chị có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo hướng buộc người chồng phải trả chị 10 tỷ đồng. Và nếu có thỏa thuận về lãi chậm trả thì còn phải trả cả khoản này. Muốn đòi chia lại tài sản, thì chị phải có nghĩa vụ chứng minh tài sản người chồng đang sở hữu là tài sản chung của vợ chồng chị. Tuy nhiên, trong câu hỏi của chị, tôi không biết là bản hợp đồng vay nợ 10 tỷ của anh chị đã được công chứng hay chưa?
Bạn đọc Trần Đức Anh ở Nam Định hỏi: Chúng tôi rất quan tâm tới BLDS 2015 nhưng nghe nói có rất nhiều quy định đã được sửa đổi. Ông có thể cho biết người dân chúng tôi cần quan tâm tới những quy định gì mới của BLDS 2015?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: BLDS năm 2015 của Nhà nước ta được quốc hội thông qua ngày 24/11/2015; được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 20/2015/L-CTN ngày 08/12/2015 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Như vậy, chỉ còn hơn 20 ngày nữa, BLDS năm 2015 sẽ có hiệu lực. BLDS năm 2015 được bố cục chia làm sáu phần, 27 chương với 689 điều; trong đó giữ nguyên 81 điều, bổ sung 70 điều, sửa đổi 573 điều, bãi bỏ 123 điều so với BLDS năm 2005, bao gồm:
+ Phần thứ nhất: Quy định chung (10 chương, từ Điều 1 đến Điều 157). Quy định về phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc cơ bản của PLDS; mối quan hệ giữa BLDS với các luật khác có liên quan và điều ước quốc tế, nguyên tắc về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự, là cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự khi chưa có điều luật để áp dụng, địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ PLDS, tài sản, giao dịch dân sự, đại diện, thời hạn, thời hiệu.
+ Phần thứ hai: Quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản (4 chương, 116 điều, từ Điều 158 đến Điều 273). Bộ luật quy định về nguyên tắc xác lập, thực hiện, bảo vệ và giới hạn quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chiếm hữu, quyền sở hữu đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.
+ Phần thứ ba: Nghĩa vụ và hợp đồng (6 chương 335 điều, từ Điều 274 đến Điều 608). Quy định về căn cứ phát sinh, đối tượng, thực hiện và chấm dứt nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự, chuyển giao quyền yêu cầu hoặc chuyển giao nghĩa vụ, giao kết, thực hiện, sửa đổi và chấm dứt hợp đồng, một số hợp đồng thông dụng, hứa thưởng, và thi có giải, thực hiện công việc không có ủy quyền, nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
+ Phần thứ tư: Thừa kế (4 chương, 54 điều, từ Điều 609 đến Điều 662). Quy định về quyền thừa kế, thời điểm, địa điểm mở thừa kế,
Thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia di sản.
+ Phần thứ năm: Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (03 chương, 25 điều, từ điều 663 đến điều 687). Quy định về xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân, đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài.
+ Phần thứ sáu: Điều khoản thi hành (Điều 688, 689). Quy định về điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành Bộ luật dân sự.
Theo đó, so với BLDS 2005, BLDS 2015 đã đổi tên phần “tài sản và quyền sở hữu” thành “quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản”; Đã đổi phần “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” thành “ pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”; Không kết cấu “quy định về chuyển quyền sử dụng đất”; “ quyền sở hữu tài sản và chuyển giao công nghệ” thành các phần độc lập trong BLDS 2015 mà được sửa đổi lại theo hướng: Các nội dung cụ thể, đặc thù đã được quy định trong luật đất đai, được sở hữu tài sản và luật chuyển giao công nghệ thì không quy định lại trong BLDS nữa; chỉ quy định các nguyên tắc về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, chuyển giao công nghệ vào trong các chế định liên quan về tài sản, giao dịch dân sự, quyền sở hữu, hợp đồng… (các điều 8,115,131,222,127,450, 500,501,502,503…).
- Về nội dung, so với BLDS 2005 của nhà nước ta thì BLDS 2015 đã có nhiều quy định mới, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
- BLDS 2015 ra đời xuất phát từ yêu cầu khách quan phát triển nền kinh tế của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; đáp ứng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự ra đời của BLDS 2015 đã khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành và áp dụng BLDS 2005; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và bao quát của hệ thống pháp luật dân sự và luật khác có liên quan. Đặc biệt, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về kinh tế, chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật. Những quyền này của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng (Điều 14 hiến pháp 2013).
- Có thể nói, đây là một bước phát triển đến dần hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật dân sự sau hơn 70 năm kể từ khi nhà nước ta ra đời (2/9/1945 – nay).
Nhiều bạn đọc có chung câu hỏi: “Chúng tôi rất quan tâm tới việc Bộ luật Dân sự 2015 sẽ tác động như thế nào tới các quyền nhân thân. Ông có thể cho biết từ 1/1/2017, các quyền nhân thân của chúng tôi có gì thay đổi?”
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Khi BLDS năm 2015 có hiệu lực, các quyền nhân thân cá nhân theo quy định của BLDS cũng không có gì thay đổi. Khác với BLDS 2005, BLDS 2015 chỉ quy định các quyền nhân thân của cá nhân liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong các quan hệ dân sự và những quyền nhân thân gắn liền với lợi ích tinh thần của cá nhân, nhưng chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp như quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh ...
Đối với các quyền nhân thân khác thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân (Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo...) thì Bộ luật Dân sự 2015 không quy định mà dành cho các luật liên quan khác điều chỉnh.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ, Trưởng khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội |
Riêng đối với trường hợp chuyển đổi giới tính (Điều 37), BLDS 2015 quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và các luật khác có liên quan.
hư vậy, đối với cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
Bạn đọc Nguyễn Thị Lan ở Vĩnh Phúc hỏi: Khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành, người dân chúng tôi có phải làm lại giấy tờ gì không?
|
Rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề thừa kế, phân chia tài sản được chuyển tới PGS.TS Nguyễn Văn Cừ |
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Thông thường các quyền nhân thân của chủ thể có đặc điểm luôn gắn liền với nhân thân người đó, không thể chuyển giao cho người khác được. Vì vậy, các quyền nhân thân của cá nhân không có gì thay đổi, trừ trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính.
Bạn đọc Lê Duy, ở Thành phố Hồ Chí Minh hỏi: Bộ Luật dân sự 2015 có quy định: Được quyền chuyển đổi giới tình theo quy định pháp luật. Xin hỏi quy định của pháp luật cụ thể ở đây là những quy định nào? Từ năm 2017, tôi có thể sang nước ngoài chuyển giới, rồi về thay đổi giới tình trong toàn bộ hồ sơ cá nhân của tôi không?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Bộ Luật Dân sự 2015 quy định trong điều 37: Điều luật này không sử dụng từ ‘quyền’ như những quyền nhaann thân khác của cá nhân. Xét về học thuật, lý thuyết, đã quy định nó trong phạm vi các quyền nhân thân của cá nhân, thì cần coi quy định này là quyền chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, không nên hiểu rằng ai cũng thích chuyển đổi giới tính thì chuyển đổi.
Những người cần phải chuyển đổi giới tính và đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật thì mới được phép thực hiện. - Khi có Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, áp dụng Điều 37, cần có những văn bản pháp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ nghị định quy định chi tiết thi hành, hoặc Luật chuyển đổi giới tính.
Chỉ khi có quy định cụ thể thì lúc bấy giờ mới thực hiện được trong thực tế. - Như vậy, quan điểm của nhà nước ta là chấp nhận chuyển đổi giới tính, còn việc thực thi như thế nào thì phải chờ các quy định và hướng dẫn từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ đang trả lời các câu hỏi của độc giả gửi về |
Bạn đọc Duy Nghĩa ở Hải Phòng thắc mắc: Ông có nghĩ rằng khi xây dựng văn bản hướng dẫn cần ngăn chặn tính thương mại của chuyển đổi giới tính?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Tôi cho rằng khi xây dựng Nghị định hoặc luật về vấn đề này, cần quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo quy định thật chặt chẽ. Chuyển đổi giới tính với mức độ toàn bộ, triệt để, không nên chuyển đổi từng phần. Đồng thời cần loại trừ tính thương mại, tính phong trào; cấm chuyển đổi giới tính vào những mục đích khác. Cần quy định cụ thể về hệ quả pháp lý của vấn đề này.
Bạn đọc Nguyễn Đức Dũng ở Hoài Đức, Hà Nội hỏi: Ông bà nội tôi có 5 người con - Bác trai cả/ đang còn sống, ở tại làng ( ở tại mảnh đất số 1 - cụ kị để lại ) - Bác gái thứ 2/ đang còn sống, lấy chồng cùng làng, ở tại làng - Bác trai thứ 3/ đang còn sống, ở tại HCM - Bác trai thứ 4 / Liệt sỹ, bố mẹ tôi thờ cúng - Bố tôi thứ 5/ Đã mất, còn mẹ tôi - đang ở tại mảnh đất số 2 * Trước năm 1978, cả gia đình gồm ông bà nội + gia đình bác cả + bố tôi sống cùng nhau tại mảnh đất số 1 do cụ kị để lại. Bác trai thứ 3 lấy vợ cùng làng và thoát li đi công tác, sinh sống tại HCM * Năm 1978, ông bà nội tôi mua 1 mảnh đất của người cùng làng, diện tích 273m2, xây 1 cái nhà lên rồi để đấy chưa ai ở --> Mảnh đất số 2 * Năm 1980, bố mẹ tôi lấy nhau, ông bà nội cho ra ở riêng lại mảnh đất số 2, ông bà ra ở cùng cho đến khi mất. Ông mất năm 2002, bà mất ngày 25/4/ 2006. --> Bố mẹ tôi ở tại mảnh đất này * Năm 2012 bố tôi mất, còn mẹ tôi vẫn đang ở tại mảnh đất này. * Trong quá trình sinh sống, bố mẹ tôi làm đơn ra xã xin đất ở, vì nhà có 3 giai mà mới có 2 mảnh, thì xã ko cấp với lý do bác trai 3 ko có khẩu ở nhà. ( thời ấy vẫn có chế độ cấp đất theo đinh, ko phải mua bán như bây giờ ) Khi ông bà còn sống, ko nói gì về việc chia đất ở. Sổ đỏ vẫn đứng tên ông nội tôi Thời gian này mẹ tôi làm lại nhà, đập nhà cũ xây từ năm 1978 đi để làm nhà mới. Bác 3 từ trong HCM gọi ra đòi chia. Bác trai bảo lấy 80m2 để sau già về quê ở --> mẹ tôi đồng ý chia lại 80m. Tuy nhiên, bác gái ( vợ bác 3 ) lại muốn chia 1/2 mảnh đất. Vậy tôi muốn hỏi: Về mặt luật pháp, mẹ tôi có được hưởng toàn bộ diện tích mảnh đất 273m2 ko? Bác 3 đòi chia như vậy có đúng pháp luật ko?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Trong thời hạn 3 năm, từ thời điểm mở thừa kế, những người có quyền về tài sản được quyền yêu cầu những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, quy định thời hiệu là 30 năm đối với Bất động sản và 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ |
Hết thời hạn này thì di sản này thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Nếu mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì đó là thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn. Người khởi kiện đòi chia di sản phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mảnh đất đó là do cha mẹ để lại. Và người kia đã có hành vi lừa dối trong thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.
Bạn đọc Vi Thị Hương ở Long An hỏi: Tôi nghe nói BLDS năm 2015 có bố ung quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Cụ thể quy định này là như thế nào ?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ:Theo quy định của BLDS năm 2015, tại Điều 360 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đã quy định. “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Theo đó, khi xác định trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ mà có thiệt hại xảy ra trên thực tế thì yếu tố lỗi không phải là điều kiện phải có thì mới phát sinh trách nhiệm BTTH. Về nguyên tắc chỉ cần có hành vi vi phạm nghĩa vụ do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với chủ thể mang quyền mà gây thiệt hại thì phải thực hiện trách nhiệm BTTH Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi xác định mức BTTH do nhiều người gây thiệt hại thì vẫn phải xác định mức độ lỗi của người gây thiệt hại. Ví dụ: Trường hợp cả hai bên đều có lỗi dẫn đến gây thiệt hại thì phải căn cứ vào mức độ lỗi của từng người để xác định mức bồi thường.
|
Những vấn đề mà PGS.TS Nguyễn Văn Cừ giải đáp đều là những vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống hàng ngày của người dan |
Bạn đọc Nguyễn Thị Lan ở Tuyên Quang hỏi: Xin cho biết thời hiệu của việc khởi kiện chia tài sản sau khi ly hôn? Chúng tôi ly hôn 10 năm rồi. Ngày đó tôi không đòi chia tài sản. Giờ tôi muốn chia tài sản được không?.
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Theo quy định của pháp luật trong trường hợp thuận tình ly hôn mà hai vợ chồng thỏa thuận là chưa chia tài sản chung hoặc tài sản chung sẽ do hai vợ chồng tự giải quyết thì sau khi quyết định thuận tình ly hôn có hiệu lực, "vợ"/"chồng" vẫn luôn có quyền yêu cầu chia tài sản chung của họ.
Bạn đọc Nguyễn Nghĩa Trung (Ninh Bình) hỏi: Hợp đồng vay nợ có cần sự chứng kiến của người thứ 3 không? Khi nào thì hợp đồng vay nợ vô hiệu? Nếu người phải trả tiền không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì có thể coi là vi phạm hợp đồng và hủy hợp đồng đó không?
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Về nguyên tắc thì hợp đồng vay nợ không cần phải có người thứ 3 chứng kiến cho hợp đồng vay nợ đó. Hợp đồng vay nợ vô hiệu khi vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch, ví dụ do bị cưỡng ép, bị lừa dối...
Nếu vi phạm nghĩa vụ trả tiền thì chủ nợ có quyền yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp. Và khi bản án có hiệu lực thì buộc người có nghĩa vụ phải thanh toán trả nợ cho chủ nợ.
Nếu không tự nguyện tự giác thực hiện thì chủ nợ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành biện pháp cưỡng chế. Ví dụ kê biên tài sản hoặc phát mại tài sản của người có nghĩa vụ trả nợ.
|
Các quy định mới của BLDS 2015 được rất nhiều độc giả quan tâm |
Bạn đọc Hà Thanh Tùng (Lào Cai) hỏi: Là người đã có gia đình, có con cái, có được chuyển đổi giới tính hay không? Theo pháp luật hiện nay, điều này phá vỡ mô hình gia đình được Luật định.
PGS.TS Nguyễn Văn Cừ: Trường hợp này cần phải chờ văn bản quy định chi tiết thi hành hoặc hướng dẫn áp dụng từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy đinh này không phải phá vỡ nền tảng gia đình mà xuất phát từ tình hình thực hiện của đời sống xã hội, thể hiện nguyên tắc nhân văn của nhà nước ta trong việc tôn trọng, công nhận và bảo vệ quyền con người, các quyền của công dân về kinh tế, chính trị, xã hội.
Trong trường hợp người đang có vợ có chồng đã có con chung mà chuyển đổi giới tính thì sẽ liên quan rất nhiều vấn đề, như các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân và gia đình, thủ tục đăng ký các quyền nhân thân theo quy định pháp luật về hộ tịch... Như vậy, trong trường hợp cụ thể này nếu chuyển đổi sẽ rất phức tạp. Theo quan điểm của tôi, Luật pháp nên quy định theo hướng những người đang có vợ có chồng và có con chung thì không được chuyển đổi giới tính.
Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, từ 9h - 10 h sáng ngày 9/12, PGS.TS Nguyễn Văn Cừ đã trả lời rất nhiều các câu hỏi mà bạn đọc quan tâm về Bộ luật Dân sự 2015. Vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc đang tiếp tục gửi về Toà soạn nhờ PGS.TS Nguyễn Văn Cừ giải đáp, chúng tôi sẽ gửi tới PGS.TS Nguyễn Văn Cừ để phản hồi tới độc giả trong thời gian sớm nhất.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của các bạn.