Những công trình nghiên cứu văn hóa đồ sộ
Chúng tôi đến thăm Giáo sư Trương Hoàng Chương vào một ngày mùa thu nắng tỏa. Tổ ấm của ông nằm ở tòa nhà cao tầng ven Hồ Tây khoáng đạt, yên bình. Tại phòng khách, Giáo sư trang trọng treo ảnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc… và những tấm bằng khen, huy chương cao quý. Kế tới, đôi đàn tranh, đàn nguyệt khắc ghi tình yêu âm nhạc truyền thống dân tộc của ông.
|
Bức ảnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được Giáo sư Hoàng Chương treo trang trọng tại phòng khách. |
Nở nụ cười hồn hậu, Giáo sư Hoàng Chương hào hứng kể về cuộc hành trình “hồi sinh”, gìn giữ, phát huy nghệ thuật dân gian. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chiến tranh chống thực dân Pháp (năm 1936), tại thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa, huyện An Lão (Bình Định) - mảnh đất địa linh nhân kiệt, được xem là cái nôi của võ thuật và nghệ thuật truyền thống, ngay từ nhỏ ông đã say mê với hát Tuồng, bài Chòi. Những di sản văn hóa ấy đã ngấm vào máu thịt Giáo sư từ lúc nhỏ để khi trưởng thành ông quyết đi tận cùng sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam.
Từ nhỏ, Giáo sư đã được học tư tưởng trọng nhân tài, học chính sách chiêu hiền đãi sĩ của vua Quang Trung. Ông sớm tập hợp quanh mình được nhiều tài năng, và sống có tâm, có đức. 15 tuổi vào trường âm nhạc tỉnh, rồi tham gia vào thiếu sinh quân và vào Đoàn văn công Liên khu 5. Vốn là một người siêng năng, chăm chỉ, nên ông đã thi đỗ và được đi học ở trường Đại học Sân khấu Liên Xô (1962 - 1964). Sau đó, ông tiếp tục học Tổng hợp văn khóa 8 (1964 - 1967) trường Đại học Văn khoa (cùng lớp với ông Nguyễn Phú Trọng nay là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam). Ra trường, ông được điều về Bộ Văn hóa và sau đó lại được cử đi nghiên cứu sinh ở Rumani từ 1969 - 1973. Sau khi về nước, ông giữ vị trí là Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, tiếp là là làm Viện phó rồi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam (1983 - 1999).
Giáo sư quan niệm: “Nếu một quốc gia không có văn hóa thì quốc gia đó sẽ không tồn tại”. Vì thế, ông dành cho cuộc đời mình tìm tòi, dày công nghiên cứu cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Gia sản của ông là những công trình nghiên cứu đồ sộ trải rộng ở nhiều lĩnh vực của nghệ thuật truyền thống. Đến nay, ông có hơn 20 công trình nghiên cứu đã công bố về lĩnh vực lý luận nghệ thuật, văn hóa dân tộc như “Những vấn đề sân khấu truyền thống, “Bài chòi và dân ca Liên khu 5”, “Nghệ thuật tuồng Bắc”, “Tuồng và võ thuật dân tộc”... Ông tham gia tích cực vào việc phát hiện, bảo vệ, tôn vinh những di sản văn hóa dân tộc cùng những công trình mới như Múa rối nước, Quan họ, Bài Chòi, Hát Xẩm...
Giáo sư Hoàng Chương tổ chức hàng trăm hội thảo gây tiếng vang trong và ngoài nước. Ông còn tích cực tham gia giảng dạy, diễn thuyết về nghệ thuật truyền thống ở nhiều trường đại học Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… góp phần quảng bá văn hóa và con người Thủ đô, đất nước. Với biệt tài vừa diễn thuyết vừa biểu diễn, cách “kể chuyện” của ông rất thu hút bạn bè quốc tế.
Với tâm huyết trong công cuộc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam, sau khi nghỉ chế độ, Giáo sư Hoàng Chương đã đề nghị sáng lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc và đến năm 2019, chuyển thành Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Giáo sư Hoàng Chương đã chủ trì cùng tập thể Viện hoàn thành xuất sắc 5 đề tài nghiên cứu cấp Bộ: Nghệ thuật múa rối nước; Tìm về cội nguồn quan họ; Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn; 100 năm nghệ thuật cải lương và nghệ thuật dân ca kịch bài chòi.
|
Giáo sư Hoàng Chương- Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới |
“Không có bản báo công nào ghi hết thành tích của GS. Hoàng Chương”- Đó là lời nhận xét của cố GS. AHLĐ Vũ Khiêu dành tặng GS. Hoàng Chương - người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Văn hóa giao thông- Vì hạnh phúc mỗi người
Ở “tuổi xưa nay hiếm”, điều Giáo sư Hoàng Chương tâm đắc nhất là đã lập và đề nghị Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ VH-TT&DL, Bộ GD&ĐT cho triển khai thực hiện 2 dự án lớn “Sân khấu học đường” và “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật” ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Giáo sư Hoàng Chương tâm sự: “Có thể nói, chưa ở đâu vấn đề an toàn giao thông phức tạp như ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có nguyên nhân chính là thiếu… văn hóa giao thông! Không có văn hóa tức là không có pháp luật. Người lái xe có văn hóa giao thông mới an toàn”.
Ánh mắt của vị giáo sư U90 ánh lên niềm vui, hứng khởi khi nhớ lại thời “hoàng kim” của dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật”. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giao cho Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam triển khai Dự án văn hóa giao thông từ năm 2010 đến năm 2020. Bằng các chương trình độc đáo, mới lạ và các hình thức nghệ thuật dân tộc hấp dẫn như: Múa rối nước, hát xẩm, hát văn, quan họ… góp phần tuyên truyền văn hóa giao thông lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Trung tâm đã phát động thiếu nhi toàn quốc vẽ tranh chủ đề văn hóa giao thông. Hàng năm có hơn hàng ngàn bức tranh từ các tỉnh gửi về. Với tâm hồn trẻ thơ và cái nhìn hồn nhiên, trong sáng, các em thiếu nhi đã vẽ những bức tranh văn hóa giao thông sinh động gửi gắm thông điệp “Văn hóa giao thông- Vì hạnh phúc của mỗi người”.
|
Giáo sư Hoàng Chương giới thiệu tranh vẽ đề tài văn hóa giao thông |
Ngoài ra, dự án đã thu hút hàng nghìn bài viết về văn hóa giao thông, 20 chương trình hài kịch, bốn vở kịch phát trên các đài truyền hình từ T.Ư đến địa phương; Trung tâm còn ra mắt MV nghệ thuật “Văn hóa giao thông” gồm 7 ca khúc: Mười nhớ, Con đường Việt Nam, Mười đặc trưng văn hóa giao thông, Lời dặn khi tham gia giao thông…
Năm 2016, ông Trần Hữu Minh, lúc đó là Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận xét: “Những tác phẩm nghệ thuật gắn với đề tài văn hóa giao thông có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng. Cách tuyên truyền tốt nhất là thông qua văn hóa, những những tác phẩm nghệ thuật dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo”.
Việc vận dụng các loại hình nghệ thuật để tuyên truyền về văn hóa giao thông rất quan trọng, giúp người dân hiểu rõ hơn về tác hại của những hành vi vi phạm giao thông, qua đó nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, mang lại hạnh phúc cho cộng đồng.
Đang say sưa nhớ lại thời “hoàng kim” tràn ngập các tác phẩm nghệ thuật về đề tài văn hóa giao thông được hàng triệu người dân thưởng thức và thay đổi hành vi tích cực khi tham gia giao thông, bỗng giọng vị giáo sư cao niên chợt nghẹn lại: “Tôi có băn khoăn không hiểu vì sao, năm 2021, Ủy ban ATGT quốc gia- Bộ Giao thông- Vận tải lại không tiếp tục phối hợp thực hiện Dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật” sau 10 năm thực hiện hiệu quả.
“Văn hóa là yếu tố hàng đầu. Người có văn hóa là người biết thượng tôn pháp luật, kỷ cương trong khi tham gia giao thông. Muốn có văn hóa giao thông, chúng ta cần phải giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ gia đình, từ các khu dân cư, trường học, ngay từ khi trẻ mới chập chững.”- Giáo sư Hoàng Chương nhấn mạnh.
Vị giáo sư U90 thiết tha: “Với những tâm huyết về nâng cao ý thức người dân, thượng tôn pháp luật, tôi mong muốn, Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ VH-TT&DL, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc thực hiện “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật. Đừng để văn hóa giao thông bị… “chết yểu! ””.
… Chia tay ông, tôi luôn nhớ ánh mắt gửi gắm niềm hy vọng vào thế hệ kế tiếp của vị giáo sư U90 cả đời dành cho sự nghiệp bảo tồn nghệ thuật truyền thống và nâng cao văn hóa giao thông, gìn giữ sự an toàn cho mọi người.
|
Giáo sư Hoàng Chương và nhà báo Thùy Dương |
Giáo sư Hoàng Chương đã được Đảng, Nhà nước và các cấp tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin và Huy chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc năm 2001; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2000; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2005; Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2020. Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu ''Công dân Thủ đô ưu tú'' năm 2021.