Giao thông đô thị ứng phó biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày qua, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đường tại các tỉnh miền Trung đang bị chia cắt, không thể lưu thông do nước ngập dâng cao.
Một số hình ảnh giao thông tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, sạt lở trong và sau mưa lũ lịch sử.
Một số hình ảnh giao thông tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, sạt lở trong và sau mưa lũ lịch sử.

Giao thông ách tắc bởi mưa lớn

Cơn mưa đặc biệt lớn tại Đà Nẵng vào ngày 14 - 15/10, ước tính lượng mưa một ngày đã vượt trung bình cả tháng 10 của Đà Nẵng và bằng 1/3 trung bình cả năm, khiến nội thành Đà Nẵng ngập sâu nhiều tuyến phố. Hậu quả là giao thông tê liệt, tổn thất về hạ tầng đường sá, phương tiện. Các tuyến phố lớn, hiện đại như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Đình Lý, Quảng Trung... đều ngập sâu trong nước lũ. Dù hệ thống thoát của Đà Nẵng đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhưng vẫn không thoát kịp nước lũ do mưa lớn cực đoan.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong thời điểm mưa lớn xảy ra, Nam hầm Hải Vân nước đổ trên núi về gây ngập nên đã cấm lưu thông qua hầm, tuyến đường Tạ Quang Bửu nối hầm với QL1 ngập 50cm xe không lưu thông được. Tuy nhiên, khi phân luồng đi lên tuyến La Sơn - Túy Loan thì tuyến La Sơn phát sinh sạt lở, đất đá chiếm 2/3 mặt đường, khiến các cơ quan chức năng không thể thông xe. Nhiều tuyến đường trên toàn bộ địa bàn thành phố cũng gặp vấn đề tương tự.

Đây cũng là thực trạng chung nhiều tỉnh, thành miền Trung phải đối mặt trong những ngày qua. Tại Quảng Nam, cơ quan chức năng ghi nhận, trong ngày 14 - 15/10 tại huyện Đại Lộc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, xuất hiện “hố tử thần” ngay trên cầu Suối Mơ trên tuyến quốc lộ 14B đoạn qua xã Đại Đồng khiến giao thông tê liệt. Nhiều tuyến đường khác cũng xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở sau mưa. Cơ quan chức năng phải nhanh chóng bố trí lực lượng, phương tiện trực bảo đảm trật tự an toàn giao thông ứng phó với mưa lớn và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, hiện tượng mưa lớn, cực đoan tại các đô thị đang làm trầm trọng thêm vấn đề ùn tắc giao thông. Vào những thời điểm xảy ra hiện tượng này, nhiều tuyến đường nội đô bị ngập úng sâu, sạt lở sau mưa khiến giao thông tê liệt.

Nhiều nguyên nhân của hiện tượng trên đã được đề cập đến, trong đó có nguyên nhân quan trọng là diện tích mặt nước và diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dưới tác động tốc độ đô thị hóa nhanh. Các thành phố, đô thị trên cả nước đều đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan, thất thường gây ra nhiều thiệt hại cho người dân và xã hội, trong đó bao gồm những tổn thất lớn đối với cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

Tìm giải pháp ứng phó kịp thời

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại nước ta đã tăng 2 - 3 độ C và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20cm. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh.

Diễn biến khí hậu cực đoan trong những năm gần đây đã cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến các vùng dễ tổn thương như Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, vùng núi cao…, mà cả với hầu hết các đô thị trên cả nước, đặc biệt là tại các đô thị ven biển như TP Đà Nẵng là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan, thất thường.

Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12/2017, trên toàn quốc có 813 đô thị; tốc độ đô thị hóa khá nhanh với tỷ lệ đô thị hóa trung bình là 35,7%. Hệ lụy của tốc độ phát triển vượt bậc ấy là đến nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường; khoảng 140 - 150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán.

Trước thực trạng nêu trên, yêu cầu đặt ra là phải tìm ra giải pháp ứng phó kịp thời, đặc biệt ngay từ khâu lập quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã phải tính đến vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu trong mọi mặt, đặc biệt hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt.

Đọc thêm