Giao thương với Trung Quốc nhìn từ hậu "cơn bão Nhãn"

“Tiêu, điều, vải, nghệ” là điệp khúc buồn của việc tiêu thụ nông sản trong nhiều năm qua. Do sản xuất theo phong trào, đầu ra không ổn định, người nông dân cứ phải chạy theo thời giá, trồng cây này thu hoạch chưa được bao nhiêu lại phải chặt phá để trồng cây khác với hy vọng được giá cao hơn. Rốt cuộc, cả người trồng lẫn người bán đều bị thiệt hại. Mới đây, lại xuất hiện cơn “bão nhãn” làm nhiều doanh nghiệp phía Nam lao đao.

“Tiêu, điều, vải, nghệ” là điệp khúc buồn của việc tiêu thụ nông sản trong nhiều năm qua. Do sản xuất theo phong trào, đầu ra không ổn định, người nông dân cứ phải chạy theo thời giá, trồng cây này thu hoạch chưa được bao nhiêu lại phải chặt phá để trồng cây khác với hy vọng được giá cao hơn. Rốt cuộc, cả người trồng lẫn người bán đều bị thiệt hại. Mới đây, lại xuất hiện cơn “bão nhãn” làm nhiều doanh nghiệp phía Nam lao đao.

Tranh mua, nâng giá, và chết ngay “giờ cao điểm”

Bà Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, Bến Tre) nhớ lại, giữa năm 2012, thương lái Trung Quốc đón đầu mua nhãn rất sớm với khối lượng lớn nhằm mục đích dự trữ. Họ trực tiếp xuống các vùng nguyên liệu ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long mua gom hàng, trả tiền mặt, vận chuyển sang Trung Quốc bằng tàu biển với số lượng lớn; chứ không vận chuyển bằng xe tải container bằng đường bộ như trước đây. Với cách mua bán như vậy, cho thấy nhu cầu thị trường Trung Quốc đang hút mặt hàng này.

Nhiều doanh nghiệp mất tiền tỷ vì nhãn tồn đọng

Trước thông tin này, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đứng ra thu mua xuất khẩu. Thị trường nhãn đang đang trầm lắng sau nhiều năm, đột ngột “nóng” lên. Dự đoán sản lượng nhãn năm nay kém, trước nhu cầu đang thu mua lớn, nhiều nhà vườn nâng giá nhãn lên rất cao.

Loại nhãn xô (tạp chưa phân loại kích cỡ)  kêu giá từ 15 ngàn đồng/kg đến 20 ngàn đồng/kg, có ngày còn cao hơn. Tất cả các đầu mối thu mua tranh nhau gom hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, hy vọng thắng lớn vào dịp Tết, nên giá đã tăng, lại càng tăng.

Nhìn lại cơn “bão nhãn” vừa qua, có không ít ý kiến cho rằng chính một số doanh nghiệp Việt Nam đã tự làm khó mình. Một số doanh nghiệp không giữ uy tín, pha trộn nhãn với nhiều kích cỡ nhỏ hơn hàng mẫu đã chào; có doanh nghiệp bán thiếu ký bằng cách thay đổi bao bì, thùng chứa, sử dụng giỏ hàng chứa nhãn nhỏ hơn hàng mẫu… và bị tẩy chay vì lý do “không đàng hoàng”.

Nhưng khi các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn ùn ùn đưa hàng ra biên giới phía Bắc thì có tin giá nhãn tụt, do các cửa hàng trái cây Trung Quốc mua về không tiêu thụ được, người tiêu dùng Trung Quốc chê hàng nhỏ, ít trái nên không mua. Thương lái tại cửa khẩu chỉ chấp nhận mua hàng với giá rất thấp, nếu bán chỉ từ hòa vốn đến lỗ.

Trong thế “cưỡi lưng cọp”, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mạo hiểm thuê kho trữ hàng lạnh, cố chờ tăng giá. Nhưng giá không tăng mà mỗi ngày mỗi xuống, phí lưu kho ngày càng chồng chất, cuối cùng các doanh nghiệp đành bán đổ bán tháo để thu hồi vốn và chống lỗ thêm. Chính vì vậy, trong vòng 15 ngày giáp Tết, các doanh nghiệp bị lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Có người cho rằng “cơn bão” này một phần do suy thoái về kinh tế nên nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc thấp hơn dự đoán. Có người cho rằng nguyên nhân chính là do thông tin dự đoán thị trường từ phía Việt Nam không chính xác, dự đoán sản lượng nhãn thấp hơn thực tế nên xảy ra thừa, ùn ứ hàng.

Có người giải thích do các doanh nghiệp Việt Nam tranh mua tranh bán và không giữ chữ tín về chất lượng mẫu mã, kích cỡ hàng hóa, khối lượng nên bị tẩy chay.

Phía thương lái Trung Quốc lý giải chính họ cũng bị lỗ. Một doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh khéo, dè dặt, cũng lỗ khoảng 40 - 50 tỷ VNĐ, rằng họ không ép giá, nhưng vì thị trường biến động đành phải chịu. Tất cả những thông tin ấy chỉ là phỏng đoán và chưa có điều tra nào có cơ sở vững chắc để kết luận về nguyên nhân “cơn bão” này.

Tuy nhiên, một điều đã được khẳng định là trong làm ăn buôn bán với Trung Quốc thì cơn “bão nhãn” không phải là “cơn bão” đầu tiên hay cuối cùng. Mấy năm trước, từng có “cơn lụt” dưa hấu thối từ Lạng Sơn về đến Hà Nội, do thương lái Trung Quốc đẩy giá dưa hấu lên cao rồi ngưng mua hàng đột ngột. Ngay trong năm qua, người dân miền Tây cũng chới với vì khoai lang bị ế do thương lái Trung Quốc ngưng mua hàng, người dân miền Đông thì khốn khổ vì thu mua lá điều khô rồi không biết bán cho ai.

Xuất khẩu trái cây bấp bênh như chơi chứng khoán

Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề xuất khẩu trái cây, nhưng chị Hồng Thu thừa nhận mình vẫn không nắm bắt được các ngóc ngách của thị trường trái cây; và sự phức tạp, biến động của nó nguy hiểm không kém thị trường chứng khoán.

Dự đoán thị trường không chuẩn xác khiến doanh nghiệp lao đao

“Cơn bão nhãn” đã đi qua, các doanh nghiệp và nhà vườn rút ra được kinh nhiệm gì? Nói về vùng nguyên liệu, miền Đông nhãn trồng rất nhiều ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bình Phước. Miền Tây có nhãn Cần Thơ ngon và đẹp nhất, bảo quản được lâu. Nhãn miền Đông mẫu mã đẹp hơn nhưng chất lượng không bằng nhãn Cần Thơ. Tất cả nhãn trồng ở khắp nơi đều tập trung về các vựa nhãn ở Tiền Giang, tập trung vào khoảng 5 doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu nhãn.

Nhưng rõ là giữa doanh nghiệp và nhà vườn chưa có mối quan hệ tương hỗ lâu dài. Tất cả đều làm ăn theo thương vụ, lệ thuộc vào thời tiết thị trường nóng lạnh. Người kinh doanh nghe ngóng thị trường bên ngoài để tranh mua, xuất khẩu. Người trồng theo giá thị trường mà đốn cây này trồng cây khác, chạy theo thời giá và luẩn quẩn trong vòng “tiêu, điều, vải, nghệ”.

Chị Hồng Thu cho biết, công ty mình nằm trong “top 5” doanh nghiệp xuất khẩu nhãn ở Tiền Giang, trong “cơn bão” vừa qua cũng bị thiệt hại, nhưng đỡ hơn các doanh nghiệp khác nhờ mấy yếu tố: Công ty không chỉ lệ thuộc vào  thị trường Trung Quốc, mà còn có thêm  thị trường các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia. Tuy nhiên thị trường Trung Quốc vẫn là lớn nhất, chiếm 80% sản lượng. Sau cơn “bão nhãn”, cứ tưởng thương lái Trung Quốc sợ không dám làm ăn tiếp, nhưng họ vẫn tiếp tục đặt hàng của công ty 210 tấn.

Thương nhân này cho hay, ngoài nhãn, công ty còn mua bán chôm chôm và nhiều loại trái cây khác nên vốn, lãi mặt hàng này san sẻ cho mặt hàng khác trong từng vụ. Không nên bỏ tất cả trứng vào trong một giỏ, đó là kinh nghiệm của ông cha để chống bão, cũng như phải mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng.

Lương Minh

Đọc thêm