Còn thiếu gần 76.000 giáo viên
Để triển khai Chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo.
Theo báo cáo của các Sở GD-ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thành bại của chương trình GDPT mới phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình.
Theo đó, có hai nhiệm vụ sẽ được ngành đặt ra trong thời gian tới. Thứ nhất là công tác hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo. Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.
Bộ trưởng cũng cho rằng, rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD-ĐT phối hợp với các Bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy. Những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. Thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự nhịp nhàng phối hợp giữa các bên liên quan.
Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất Phạm Hùng Anh cho biết, có 4 nguồn kinh phí để triển khai chương trình GDPT mới gồm: trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác cùng nguồn vốn ngân sách T.Ư cho sự nghiệp giáo dục...
Ông Phạm Hùng Anh cũng nhấn mạnh, các địa phương còn khó khăn như vùng sâu, vùng xa còn nhiều phòng học tạm, điểm trường nhỏ lẻ cần đẩy nhanh quá trình dồn dịch lại thành các điểm trường chính để đầu tư đạt chuẩn.
Để đảm bảo các yêu cầu triển khai chương trình mới, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Đồng thời cũng giao các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm, trong đó xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 theo các mục tiêu.
Sẽ thực hiện chương trình “mở” ra sao?
Tại Hội nghị, phần đa ý kiến đều nhất trí cao với chủ trương của Bộ GD-ĐT dù còn băn khoăn về cơ sở vật chất, thừa thiếu giáo viên… Hiện giáo viên là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của chương trình GDPT mới.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn chỉ nắm sơ sơ tinh thần chung của chương trình GDPT mới. Nhiều giáo viên còn lúng túng trước khái niệm cơ bản gắn liền với chương trình mới, như: Năng lực học sinh, sự khác nhau giữa năng lực và kĩ năng của học sinh; dạy học phân hóa, dạy học trải nghiệm sáng tạo…
Giáo viên dạy các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hay môn Lịch sử và Địa lý chưa biết làm như thế nào để bổ sung kiến thức, đáp ứng yêu cầu dạy môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Đại diện tỉnh Phú Thọ đặt câu hỏi: “Trong chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng “mở”, vậy các địa phương sẽ triển khai thực hiện “mở” ra sao?”. Còn đại biểu ngành GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu băn khoăn về việc thực hiện chương trình được giao quyền tự chủ, học sinh sẽ học lệch, vậy các em có nhu cầu chuyển trường nếu không “theo” được? tuyển giáo viên như thế nào để không phải đào tạo lại? trang bị cơ sở vật chất thế nào để tránh lãng phí?…
Trước những câu hỏi trên, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ không có giáo viên nào bị “bỏ rơi” khi thực hiện chương trình mới. Còn với học sinh không theo được chương trình, có thể chuyển trường vào đầu, cuối học kì hay trong năm học…
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới đã giới thiệu về các điểm mới của chương trình như việc trả lời câu hỏi học sinh học xong chương trình thì “làm được gì? thay vì sẽ biết được gì?” như chương trình cũ.
Ngoài ra, chương trình lần này là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học, xuất phát từ mục tiêu giáo dục. Trên cơ sở xác định được mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra thì mới xác định nội dung và lên chương trình đào tạo cụ thể.
Bên cạnh đó, chương trình có sự phân hóa, cá thể hóa rất rõ, bởi năng lực là yếu tố có sẵn trong người kết hợp với thời gian tập luyện. Trong quá trình dạy học giáo viên không còn là người truyền thụ đơn thuần mà còn phải tổ chức hoạt động để học sinh lĩnh hội, vận dụng kiến thức đó vào thực tế.
Đặc biệt chương trình cũng đặt ra vấn đề giảm tải, tạo điều kiện cho học sinh vừa đỡ vất vả vừa hiệu quả như giảm số môn học, tiết học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tránh áp đặt, một chiều…
Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, để giảm tải một cách triệt để đòi hỏi phải hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Tuy nhiên, điều này nằm ngoài phạm vi của chương trình nên phụ thuộc vào nỗ lực của toàn xã hội.