Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu

(PLO) - Trước những ý kiến còn khác nhau về việc có nên duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em, chiều qua 27/10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời báo chí về vấn đề này.
Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu
Thưa Bộ trưởng, Dự thảo Luật Căn cước công dân (CCCD) quy định cấp Thẻ CCCD cho trẻ em từ khi mới sinh ra, còn Dự thảo Luật Hộ tịch quy định cấp Giấy khai sinh (GKS), quan điểm của Chính phủ như thế nào?
- Trước Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rõ vấn đề này. Theo đó, Chính phủ đề nghị trong Luật Hộ tịch việc cấp GKS cho trẻ em khi đăng ký khai sinh, Luật CCCD quy định cấp Thẻ CCCD cho trẻ em sau khi đăng ký khai sinh. Như vậy, hai Dự luật giống nhau ở chỗ đều quy định bảo đảm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em, nhưng khác ở vật chứa bên ngoài, tức là sự kiện đăng ký khai sinh theo Luật Hộ tịch là nằm ở GKS, còn Luật CCCD nằm ở Thẻ CCCD. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Luật Hộ tịch theo hướng cấp GKS cho trẻ em khi sinh ra. 
Căn cứ của đề nghị này, thứ nhất là cấp GKS để chứng nhận sự kiện ra đời của trẻ em có thể là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam, đây đã trở thành thông lệ quốc tế. Hầu hết các nước  duy trì cấp GKS cho trẻ em. Với Việt Nam, việc cấp GKS cũng trở thành truyền thống. Sự kiện công dân Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa đã được cấp GKS khi sinh ra ở đó.
Thứ hai GKS có giá trị toàn cầu, mang GKS ra nước ngoài vẫn có giá trị chứng minh, còn Thẻ CCCD không có giá trị toàn cầu mà chỉ có giá trị với công dân Việt Nam ở trong nước, là giấy thông hành phục vụ việc đi lại trong nước. Dự thảo mở ra hướng sau này có cộng đồng ASEAN hoặc liên minh đi lại, có thể sử dụng trong các nước có cam kết như vậy nhưng chỉ trong một phạm vi nhất định mà không có giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Thẻ CCCD không thể hiện nhân dạng trẻ em trước khi đủ 14 tuổi, vì trẻ mới sinh ra rất giống nhau và sau này có nhiều thay đổi. Việc cấp Thẻ CCCD cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi cũng chưa bảo đảm phù hợp ngay với định nghĩa CCCD trong Dự thảo Luật CCCD.
Ngoài ra, việc cấp Thẻ CCCD cho trẻ khi sinh ra đến đủ 14 tuổi lại phải đổi thẻ khác cũng tốn kém hơn cho người dân. Vì sản suất ra một Thẻ CCCD tốn kém hơn nhiều so với một GKS như hiện nay.
Như vậy là còn sự khác nhau trong hai Dự luật trình Quốc hội. Vậy phương án cuối cùng là thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Luật Hộ tịch đã chỉnh lý theo đề nghị của Chính phủ và cũng là ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực này khi họp Chính phủ. Dự thảo Luật CCCD có sự “vênh” so với Luật Hộ tịch, đây là trách nhiệm của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khi lựa chọn các phương án, tôi không thể nói thay Đại biểu Quốc hội.
Vấn đề mà nhiều người quan tâm là làm thế nào GKS không trở thành một thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân, thưa Bộ trưởng?
- Thực ra, GKS cho trẻ em đến trước khi đủ 14 tuổi là giấy thông hành. Nhưng vấn đề là ở chỗ sau này đủ 18 tuổi, có Thẻ CCCD (trong đó ghi họ, tên, ngày tháng năm sinh, quê quán…) rồi thì pháp luật không nên quy định đã trình Thẻ CCCD rồi lại trình bản sao GKS nữa. Đề án 896 của Chính phủ cũng quy định theo hướng như vậy. Đấy là nói cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới. Còn hiện nay ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thống nhất, thành ra có rất nhiều sự trùng lắp trong yêu cầu về thủ tục hành chính, bắt người dân phải kê khai những cái rất sơ đẳng, tối thiểu, mà lẽ ra nếu có cơ sở dữ liệu quốc gia, người ta đã  tự cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền rồi, người dân không phải khai nữa.
Thưa Bộ trưởng, hai hệ thống cơ sở dữ liệu nói trên có mối quan hệ với nhau như thế nào để tận dụng và khai thác tối đa, hiệu quả?
-  Đề án 896 của Chính phủ đã nói rõ, 2 Dự luật cũng rõ. Một người khi sinh ra, việc đầu tiên là khai sinh, và hệ thống hộ tịch theo dõi người ta đến khi chết. Mọi diễn biến liên quan đến nhân thân thể hiện trong cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở này kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để bảo đảm cung cấp trường thông tin mà nó có trong cơ sở dữ liệu về hộ tịch mà cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư yêu cầu cung cấp nhưng không phải tất cả vì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu chung, sử dụng cho tất cả các ngành khác như bảo hiểm, thuế, giấy phép lái xe…
Nói tóm lại, cơ bản hai Dự án luật đã thể hiện mối quan hệ nêu trên rồi, nhưng phải gia công thêm để thấy rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch là nguồn đầu vào, là cơ sở dữ liệu sống chứ không chết. Nói là sống vì hôm nay người ta đề nghị thay đổi tên, ngày mai người ta đề nghị thay đổi ngày tháng năm sinh… tất cả điều đó phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư một cách tự động và Thẻ CCCD cũng phải điều chỉnh theo chứ không phải mỗi lần như vậy lại yêu cầu người dân đề nghị riêng, phải nộp lệ phí, tốn kém.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

Đọc thêm