Quay quắt những phận đời
Đến với mảnh đất xã Đại Hồng, “cái nôi cách mạng”, chúng tôi gặp những phận đời khác nhau nhưng tất cả họ đều có chung một nỗi đau tột cùng mang tên da cam. Cả xã có đến hơn 200 nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam, 50 trẻ bị nặng, trong đó 20 trẻ nặng nhất đã lần lượt rời xa vòng tay cha mẹ, người thân. Hầu như các hộ có nạn nhân chất độc da cam đều nằm trong diện nghèo, khó khăn của địa phương.
Trong số hơn 200 người bị nhiễm chất độc da cam thì gia đình anh Huỳnh Tấn Tám, chị Trần Thị Sáu (thuộc thôn Hà Vy) là hoàn cảnh đáng thương nhất. Anh chị có hai đứa con đều bị nhiễm chất độc da cam. Mới năm ngoái, đứa con trai đầu là cháu Huỳnh Tấn Đạt qua đời ở tuổi 14, khiến cha mẹ nghèo đau xé tâm can.
Cùng chung số phận với hai đứa con của anh Tám, em Bùi Thị Thúy (thôn Ngọc Kinh Đông) đã 21 tuổi nhưng nhận thức vẫn không hơn gì một đứa trẻ lên ba. 6 tuổi, em mới biết đi chập chững và nói tiếng được, tiếng mất, tháng nào cũng phải vào bệnh viện, có tháng 2-3 lần. Thấy người lạ vào nhà là em lại khóc ré lên như ai vừa cầm roi vụt vào thân thể vậy.
Cô Hồ Thị Năm (mẹ em Thúy) nước mắt lưng tròng: “Sao ông trời lại đối xử bất công với gia đình tui quá vậy? Chồng bị rứa đã đành rồi mà chừ đứa con gái út còn bị ri nữa, rủi một mai vợ chồng tui mà chết đi thì ai sẽ chăm lo cho nó đây”.
Gia đình ông Hồ Nha (thôn Ngọc Kinh Đông) cũng vậy. Làm nghề nông, gia đình gần 10 miệng ăn quanh năm chỉ trông vào 5 sào ruộng. Anh Hồ Đình Thân, người con út năm nay đã 29 tuổi, bị di chứng chất độc da cam, thân hình nhỏ thó, khuôn mặt ngờ nghệch.
Bà Nguyễn Thị Vui (mẹ Thân) nghèn nghẹn: “Hồi sinh ra, nó chưa đầy 2kg, không hề khóc, hai mắt đục như nước cơm. 3 tháng sau gia đình đi khám mới hay nó bị ảnh hưởng chất độc da cam. Giờ trông khỏe mạnh vậy chứ phải đi viện thường xuyên, đau ốm miết, gia đình chạy chữa miết mà thành hộ nghèo luôn”.
Bà Nguyễn Thị Dưỡng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Đại Hồng cho biết, xã có 217 nạn nhân chất độc da cam đã được phát hiện và một tình trạng đáng báo động là số trẻ em sinh ra bị nhiễm chất độc da cam có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Phần lớn gia đình các em đều rất nghèo, không có tiền thuốc thang và điều kiện chăm sóc thiếu thốn trăm bề nên có rất nhiều em đã “ra đi” khi tuổi đời còn rất nhỏ.
Bùi Thị Thúy khóc ré lên khi có người hỏi đến mình. |
Vươn lên từ... cái chết
Tưởng chừng nỗi đau da cam sẽ làm gục ngã những mảnh đời đáng thương, nhưng không, họ vẫn sống và vượt lên số phận để có thể làm được những điều mà những người bình thường không phải ai cũng làm được. Không thiếu những câu chuyện cảm động về tình người nơi miền đất da cam còn lắm nghèo khó này.
Dường như cái tên Trương Thị Thương từ lâu đã quá quen thuộc không chỉ với người dân nơi đây mà còn ở thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. 12 năm trời, trên con đường làng quen thuộc xã Đại Hồng, cha Thương, một người nông dân ít học hàng ngày vẫn miệt mài cõng con vượt quãng đường xa để đến trường. Bất kể nắng mưa, giông bão, cha con Thương chưa vắng học một buổi nào.
Không phụ sự kỳ vọng của cha và người thân, 12 năm học Thương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Với những thành tích ấy, em được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng theo nguyện vọng ngành Công nghệ thông tin. Cô gái cao 70cm và nặng chưa đầy 20kg ấy ngày càng khẳng định năng lực của mình khi 2 năm học qua, em luôn là sinh viên dẫn đầu lớp về thành tích học tập và nhận được nhiều suất học bổng của trường, thành phố.
Ngoài Thương còn có nhiều tấm gương vượt lên số phận với nghị lực lớn. Trần Công Danh là nạn nhân chất độc da cam hiếm hoi còn nhận thức được và khá thông minh. Danh từng được Hội Nạn nhân chất độc da cam cho sang Nga du học một tháng, giờ đây em đang tiếp tục theo học cấp 3 với ước mơ được đặt chân vào giảng đường đại học.
Dẫu biết rằng để thực hiện được ước mơ đó cần rất nhiều sự nỗ lực phi thường ở em và gia đình nhưng với những gì đã nhìn thấy, đã cảm nhận được ở Danh, chúng tôi tin rằng một tương lai tươi sáng sẽ đến với cậu học trò tật nguyền này, bởi cuộc đời luôn dành những phần thưởng xứng đáng cho những ai bền chí.
“Đời sống người dân ở đây còn khá khó khăn, nhất là những gia đình có con em bị nhiễm chất độc da cam thì cuộc sống càng vất vả trăm bề. Mỗi tháng chính quyền hỗ trợ cho các em khoản trợ cấp từ 180.000 đến 360.000 đồng tùy hoàn cảnh và mức độ bệnh tật. Các dịp lễ tết, trung thu... xã luôn tổ chức gặp mặt trao quà và tiền cho các em có hoàn cảnh đặc biệt. Địa phương cũng tranh thủ hết mức có thể kêu gọi tất cả các nguồn tài trợ cho các em không may” - một lãnh đạo huyện Đại Lộc bộc bạch.
Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng cho đến tận hôm nay. Những hoàn cảnh như em Thúy, em Trinh hay em Thịnh mới chỉ là phần rất nhỏ trong số hàng triệu nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam trên đất nước này. Phía trước những số phận ấy đang là một tương lai đầy bi đát.
Hơn 200 nạn nhân chất độc da cam ở thung lũng này là hơn hai trăm nỗi đau khác nhau, và còn có cả hàng ngàn, hàng vạn nỗi đau của những người thân, những người đang từng ngày vất vả lo toan về những khó khăn đeo bám họ trên đất nước này. Làm sao để sống tốt? Làm sao để có thể chăm sóc chu toàn cho người thân bị nhiễm chất độc da cam? Những người làm cha, làm mẹ của những nạn nhân chất độc da cam ấy không chỉ đang chết dần, chết mòn cùng với đứa con của họ mà còn phải gánh bao nỗi lo toan từ miếng cơm manh áo đời thường.